Nio là một hãng sản xuất xe điện tại Trung Quốc, và họ định vị mình là xe cao cấp, ngang tầm với Tesla. Ngoài xe, Nio còn thể hiện hình ảnh của một lối sống trẻ trung, hiện đại với những quyền lợi cho chủ xe mà không hãng nào khác có được. Liệu Nio có thể trở thành Tesla của Trung Quốc hay không?

Sự ra đời của Nio rất giống Tesla
Nio bắt đầu thành lập vào năm 2014 bởi William Li dưới cái tên NextEV. Li là một người đã từng kiếm được nhiều tiền từ ngành Internet, cũng giống như việc Elon Musk kiếm được tiền từ Paypal rồi đem đi làm xe điện. Li lấy cảm hứng từ Tesla rất nhiều.
Trong một dịp ghé triển lãm Paris Auto Show, Li gặp người của Ford và một số công ty khác, họ có chung tầm nhìn về xe điện nên quyết định cùng nhau xây dựng một Tesla của Trung Quốc, và việc này cần phải được tiến hành từ gốc, tức là làm một chiếc xe mới hoàn toàn.
NextEV nhanh chóng nhận được đầu tư từ những công ty lớn như Tencent, Baidu, Lenovo cũng như các nhà đầu tư nước ngoài như Temasek, Sequoia… Tính đến năm 2016, NextEV hay Nio đã nhận được gần 1 tỉ tiền đầu tư.
18 tháng sau khi công ty thành lập, chiếc xe điện đầu tiên của họ ra đời: Nio EP9. Đây là một chiếc xe thể thao thuộc phân khúc siêu sang. Sản phẩm này chủ yếu để làm thương hiệu và nghiên cứu, phát triển chứ không phải một sản phẩm bán đại trà. Thương hiệu Nio cũng chính thức xuất hiện từ đó.
Một hãng xe sang trọng dành cho người trẻ hiện đại
Nio định vị mình là một công ty công nghệ chứ không chỉ đơn thuần là hãng sản xuất xe như các tên tuổi truyền thống. Và họ không hề giấu giếm chuyện mình được lấy cảm hứng mạnh mẽ từ Tesla. Xe của Nio được t rang bị nhiều công nghệ hiện đại, ví dụ như một con trợ lý ảo hình tròn gắn lên xe tên là NOMI để bạn ra lệnh cho nó làm gần như mọi thứ trên chiếc xe. Kéo kính lên, hạ kính xuống, chỉnh nhiệt độ, bật nhạc lên, thậm chí chụp hình selfie cả nhóm đang ngồi trong xe nó cũng làm được luôn.
Không chỉ thế, Nio còn định hình mình là một thương hiệu của lối sống hiện đại, trẻ trung. Chủ sở hữu xe Nio được truy cập một mạng xã hội riêng, họ cũng có thể vào các trung tâm gọi là NioHouse, một kiểu hơi giống như các phòng chờ thương gia tại sân bay. Trong các NioHouse, họ có thể gặp gỡ, hẹn đối tác, trò chuyện với nhau, dắt con cái tới chơi, nghe nhạc, đọc sách trong các thư viện, đặt phòng họp... NioHouse được thiết kế rất đẹp, sang trọng, và là nơi tụ tập của những người có tiền. Đây là một cách rất hiệu quả để tăng cường độ trung thành của khách hàng với thương hiệu Nio.
Những gì mà Nio làm để giữ chân khách hàng hạng sang tương tự như cách làm của Tesla, Porsche với những quyền lợi độc quyền mà không hãng xe nào khác có thể làm được. Và khi nhắc tới Nio, người ta không chỉ nghĩ tới xe mà còn nghĩ tới một phong cách sống nhất định.
Nio hiện tại đang bán 3 dòng xe điện tại Trung Quốc, bao gồm ES8 (một chiếc full size SUV), ES6 (SUV cỡ trung) và EC6 (chiếc crossover coupe). Hiện tại Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất dành cho xe điện cao cấp, và đây cũng là thị trường lớn nhất thế giới dành cho SUV nên lý do Nio chọn làm SUV thay vì sedan là hoàn toàn có thể hiểu được.
Ở Trung Quốc, xe điện có rất nhiều mẫu, và rất nhiều trong số đó có giá rẻ. Tuy nhiên Nio định vị mình ở phân khúc cao nên giá bán chỉ thua mỗi Tesla Model X và Y. Những chiếc Nio này có giá trên 50.000 USD và nhắm tới khách hàng thích công nghệ. Cách kinh doanh này y hệt như cách Tesla đang làm ở Mỹ, và cũng nhờ thế mà Tesla đã lấy được một số khách hàng từ tay BMW, Mercedes, Audi. Thấy được thành công của Tesla, Nio cũng áp dụng chiến lược tương tự ngay tại quê nhà.
Nio còn có một số giải pháp rất sáng tạo, mới mẻ. Ví dụ, họ có những chiếc xe sạc di động, bạn đang ở đâu họ có thể chạy tới. Rồi Nio cũng có những trạm thay pin bên cạnh trạm sạc. Trạm thay pin cho phép người lái xe Nio chạy vào, cục pin hiện tại sẽ được thay bằng một cục pin khác đã được sạc đầy, và trong khoảng 10 phút bạn có thể tiếp tục hành trình thay vì phải ngồi chờ xe sạc xong. Nio hiện có hơn 162 trạm thay pin ở Trung Quốc, cái đầu tiên được khai trương hồi 2018. Tesla từng thử nghiệm mô hình này nhưng đã từ bỏ, còn Nio thì vẫn tin vào nó. Bạn có thể xem cách trạm thay pin này hoạt động trong video bên dưới.
Tất nhiên đây chỉ là giải pháp trong ngắn và trung hạn, trong dài hạn các hãng xe điện nói chung vẫn phải tiếp tục cải thiện công nghệ sạc nhanh của họ mà thôi. Nhưng với Nio, nhiêu đây cũng đủ để họ trở nên khác biệt so với tất cả những hãng làm xe khác. Thậm chí người dùng bắt đầu tự hào khi lái xe Nio, điều mà không hãng xe Trung Quốc nào có thể làm được khi so với các thương hiệu như BMW, Mercedes, Audi. Nio trở thành lựa chọn cho những ai không muốn mua xe chạy xăng. Gần đây, Nio thậm chí còn bán xe mà không kèm theo pin. Người dùng sẽ thuê pin và trả tiền theo tháng trong mô hình “Battery as a Service”. Nio tự tin nói rằng khi đó chi phí sở hữu và vận hành xe sẽ ngang với chi phí bạn dành cho một chiếc BMW. Nhưng nhiều khách hàng vẫn chuộng cách mua hẳn xe + pin hơn là đi thuê như thế này. Giai đoạn khó khăn và hồi phục
Năm 2018, Nio lên sàn chứng khoán tại New York, họ thu về 1 tỉ USD và khi đó định giá của công ty là 6,4 tỉ USD. Nhưng từ giữa năm 2018 đến cuối 2020, thị trường xe nói chung đi xuống tại Trung Quốc nên Nio bị lỗ và phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tháng 8/2019, Nio sa thải 1200 nhân viên của mình, hoãn việc ra mắt sedan chạy điện và dừng nhiều hoạt động khác để tiết kiệm chi phí. Tới đầu năm 2020, Nio thừa nhận họ gặp khó khăn trong việc tồn tại và sau đó nhận được 1,4 tỉ tiền đầu tư của chính phủ Trung Quốc để vực dậy công ty, đổi lại chính phủ năm 21,4% cổ phần. Rồi khi giá cổ phiếu của công ty tăng lên, Nio sẽ trả được phần “nợ” này cho chính phủ chứ chính phủ không có ý định kiếm tiền từ thương vụ này, nên Nio sẽ không bị phụ thuộc và kiểm soát nhiều.
Ban đầu Nio cũng tính sẽ tự mình sản xuất xe, nhưng sau đó đã chuyển sang hợp tác với một hãng sản xuất khác là JAC Motors để họ gia công, lắp ráp xe theo đơn đặt hàng. Như vậy họ tiết kiệm được hơn 2 tỉ USD, tiền đó để dành làm việc khác như marketing, bán lẻ, dịch vụ… Việc này có rủi ro lớn về khâu kiểm soát, nhưng tính đến thời điểm hiện tại thì kế hoạch này vẫn chạy tốt. Mới đây, JAC và Nio thông báo họ đã sản xuất được 50.000 chiếc xe điện. Tuy nhiên nếu lấy sản lượng của Nio so với Tesla ngay tại Trung Quốc thì doanh số vẫn thấp hơn khá nhiều. Tesla có một gigafactory tại Thượng hải, mỗi tháng có thể cho ra 20.000 đến 23.000 chiếc xe. Sự khác biệt và sản lượng đầu ra vẫn còn lớn và vẫn còn nhiều cơ hội để Nio bán được nhiều xe hơn. Xe điện tại Trung Quốc
Trung Quốc đang là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, một phần nhờ vào khoảng trợ giá rộng rãi của chính phủ nhằm giúp xe điện trở nên phổ biến. Ban đầu có nhiều công ty lợi dụng chính sách này nhưng lại không tạo ra được nhiều kết quả, nên chính phủ loại bỏ nó và bắt đầu hỗ trợ các công ty làm xe điện như kiểu của Nio.
Một điều mỉa mai đó là khi Tesla bắt đầu làm xe điện tại Trung Quốc thì cả ngành xe điện cũng được hưởng lợi. Họ có danh sách, họ có sự thu hút của truyền thông, họ có được sự quan tâm của người dùng. Xe Tesla được mua nhiều, và người ta bắt đầu nhận thấy rằng xe điện thật sự là một thứ… có thật. Thế nên người ta cũng mua xe điện nhiều hơn. Nhưng Trung Quốc vẫn là một thị trường cực kì nhạy cảm về giá, thế nên Tesla hạ giá cho chiếc Tesla Modal 3 khoảng 8% so với giá bán tại Mỹ. Các hãng xe điện tại Trung Quốc cũng bắt đầu chiến lược bán xe ra quốc tế, một phần nhờ vào chính sách khuyến khích của chính phủ, và trừ Tesla, các hãng xe điện khác ở Mỹ đang bị bỏ lại phía sau. Họ đánh trước vào thị trường Châu Âu như Na Uy, Hà Lan, Đan Mạch… các nước này cũng có hỗ trợ mạnh từ chính phủ trong việc phổ biến xe điện và mức độ chấp thuận của khách hàng khá cao. Riêng với thị trường Mỹ, căng thẳng thương mại Trung - Mỹ có thể khiến kế hoạch gia nhập thị trường Mỹ của Nio và các hãng xe điện chậm lại. Nguồn: CNBC