Theo ghi nhận, quảng cáo xuất hiện trên trang chủ YouTube di động có tiêu đề “Ớn lạnh sự tàn ác của gã hàng xóm đồi bại” từ kênh Tin Tức ***. Khi nhấn vào, người xem được chuyển đến video dạng đọc lại tin tức.
Video được đăng ngày 21/12/2020 và dài hơn 12 phút. Tin tức trong video được lấy từ một bài viết trên báo điện tử, đăng ngày 20/11/2020. Đoạn video được chủ kênh chạy quảng cáo trên trang chủ YouTube di động, giật tiêu đề và ảnh minh họa để thu hút lượt xem.
|
Video có tiêu đề gây chú ý được duyệt để hiện lên trang chủ YouTube dưới dạng quảng cáo.
|
Thuần Bùi, người làm YouTube tại Việt Nam nhận định thông tin trong video không vi phạm chính sách quảng cáo, tuy nhiên dạng video này không thể kiếm tiền do chứa từ khóa nhạy cảm.
"Tuy không thể kiếm tiền từ video, chủ kênh vẫn cho chạy quảng cáo trên YouTube để thu hút lượt xem và đăng ký. Khi có đủ lượng khán giả như mong muốn, các kênh này sẽ sản xuất nội dung được phép kiếm tiền", người này nói rằng YouTube vẫn cấm nội dung quảng cáo gây hiểu lầm, nhưng một số chủ kênh vẫn tìm ra cách "lách luật" để quảng cáo được duyệt.
Đồng quan điểm, YouTuber Quan Dũng cho rằng các quảng cáo này chỉ được đội kiểm duyệt của YouTube xem xét khi người dùng báo cáo. Theo mặc định, video sẽ được duyệt quảng cáo bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
Đây không phải lần đầu YouTube duyệt quảng cáo nhảm tại Việt Nam. Cuối năm 2020, nhiều người dùng phản ánh quảng cáo thuốc kém chất lượng “nhà tôi 3 đời nhận chữa” xuất hiện liên tục trên YouTube gây khó chịu. Theo đại diện Cục An toàn Thực phẩm, đây là quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng quá mức.
Không chỉ hiện nội dung quảng cáo nhảm, YouTube còn gây tranh cãi khi chèn quảng cáo vào những video sai sự thật, nội dung tục tĩu làm mất uy tín thương hiệu. Tháng 6/2019, YouTube từng bị nhà nước yêu cầu gỡ quảng cáo khỏi các video sai sự thật. Nhiều nhãn hàng đã tuyên bố ngừng chạy quảng cáo trên YouTube đến khi tình trạng được xử lý.
|
Quảng cáo xuất hiện quá nhiều trên YouTube khiến người dùng khó chịu.
|
Tại nước ngoài, YouTube cũng bị chỉ trích do chèn quảng cáo vào các nội dung không phù hợp. Tháng 2/2019, hàng loạt công ty đã rút quảng cáo khỏi YouTube sau khi phát hiện quảng cáo của mình xuất hiện trong các video ấu dâm trẻ em. Dù có chính sách ngăn cấm, các nội dung trên vẫn lọt qua hệ thống kiểm duyệt của YouTube và xuất hiện công khai.
Quảng cáo nhảm, lừa đảo xuất hiện trên YouTube khiến không ít người dùng khó chịu. Trên Internet, nhiều người chia sẻ cách chuyển vùng để mua YouTube Premium, cài ứng dụng như YouTube Vanced, hoặc trình duyệt chặn quảng cáo để không còn thấy chúng.
Một số cửa hàng còn rao bán gói YouTube Premium với giá 25.000 đồng/tháng, thấp hơn so với mức 12 USD của Google. Tuy nhiên đây là các tài khoản “lậu”, người mua sẽ sử dụng chung tài khoản gói Family với những người khác, hoặc được giao tài khoản đã mua Premium từ trước. Ngoài ra, các tài khoản này sẽ không có tính năng nhạc từ video khi tắt màn hình.
"Một trong những cách để chạy quảng cáo là đặt giá bid (giá thầu - PV) cao trong Google Ads. Khi đặt giá bid cao hơn, quảng cáo sẽ được ưu tiên duyệt trước", Quang Vinh, người làm YouTuber chia sẻ.
(Theo Zing)