|
Pinduoduo là công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg) |
Pinduoduo xác nhận vụ việc vào ngày 4/1. Nhân viên này sinh năm 1998, làm việc tại bộ phận Duoduo Maicai, ngã gục lúc 1h30 sáng ngày 29/12 trong khi đang đi từ chỗ làm về nhà cùng đồng nghiệp. Đồng nghiệp đưa cô đến bệnh viện gần đó, nơi cô qua đời 6 tiếng sau.
Trước khi Pinduoduo ra thông cáo, tin tức về cái chết của Zhang đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người đổ lỗi cho làm việc quá sức dù thiếu bằng chứng. Trên Weibo, hashtag về vụ việc thu hút hơn 190 triệu lượt xem. Một hashtag khác - #996, phản ánh văn háa làm việc khắc nghiệt từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày trên tuần – đã bị gỡ khỏi nền tảng.
Thông báo của Pinduoduo không nêu rõ nguyên nhân cái chết hay có liên quan tới công việc của cô hay không, cũng không có báo cáo nào của cảnh sát về việc này. Dù vậy, đến tối ngày 4/1, nhà chức trách Thượng Hải thông báo điều tra điều kiện làm việc tại Pinduoduo mà không cung cấp thêm thông tin.
Pinduoduo cho biết đã cử đồng nghiệp đến trấn an ba mẹ của Zhang và không thông báo công khai theo nguyện vọng của gia đình. Zhang được hỏa táng ngày 3/1 với sự đồng ý của gia đình.
Công ty còn đăng kèm ảnh chụp màn hình tuyên bố của ba mẹ Zhang, nói rằng không muốn con gái của họ trở thành chủ đề “ngồi lê đôi mách”. Tài khoản WeChat của ba Zhang cảm ơn công ty và đồng nghiệp của con gái.
Duoduo Macai là bộ phận mới của Pinduoduo, hoạt động trên thị trường mua chung. Tăng trưởng của thị trường dẫn đến cạnh tranh khốc liệt giữa các đối thủ như Meituan, gia tăng áp lực và khối lượng công việc lớn cho nhân viên.
Sự cố xảy ra ngay sau khi nhà sáng lập Pinduodo Colin Huang vượt qua nhà sáng lập Alibaba Jack Ma trở thành người giàu thứ hai Trung Quốc. Câu chuyện về Zhang gây chú ý sau khi một người đăng lên Weibo nói rằng bạn của mình mất tại Pinduoduo. “Cô ấy mới 23 tuổi, vì sao không một ai đứng ra và nói gì cả”, người này viết.
Tuy không có bằng chứng liên hệ cái chết của Zhang với giờ làm kéo dài, nhiều dân mạng nhanh chóng kết nối với văn hóa 996. Tuy văn hóa 996 phổ biến trong ngành công nghệ, nó lại đi ngược luật lao động. Theo Luật lao động Trung Quốc, nhân viên được làm thêm tối đa 3 tiếng vì lý do đặc biệt song không được quá 36 giờ mỗi tháng.
Chủ đề gây tranh cãi trên toàn quốc vào tháng 3/2019 khi một nhóm lập trình viên Trung Quốc lập một kho lưu trữ 996.ICU trên dịch vụ GitHub, phàn nàn về lịch làm việc bất hợp lý và chỉ đích danh một số công ty như Youzan, JD.com. “Nếu làm theo lịch trình 996, bạn có nguy cơ nằm trong bộ phận chăm sóc đặc biệt (ICU)”, một mục trong 996.ICU giải thích vì sao họ đặt tên chiến dịch như vậy.
Chiến dịch nhanh chóng trở thành xu hướng hàng đầu trên GitHub khi nhiều nhân viên công nghệ thiếu ngủ gia nhập. Một số tượng đài công nghệ lớn của Trung Quốc cũng bình luận về văn hóa này.
Chẳng hạn, Jack Ma cho rằng 996 không phải vấn đề “nếu chúng ta tìm thấy những gì mình thích”. Ông nói nếu không yêu thích công việc, mỗi phút đều như tra tấn. Ông tiếp tục: “996 thực sự không đơn giản là làm thêm giờ”, những người làm ít hơn sẽ không thể nếm trải hạnh phúc và thành quả của làm việc chăm chỉ.
Bình luận của ông Ma ngay lập tức nhận chỉ trích từ cư dân mạng. Một người dùng Weibo phản bác: “Nếu mọi doanh nghiệp đều thi hành 996, không ai có thể sinh con cả vì thiếu thời gian”. Truyền thông Trung Quốc cũng nhập cuộc, chỉ trích các công ty ép nhân viên làm nhiều giờ trên văn phòng. “Ủng hộ và cam kết làm việc chăm chỉ không đồng nghĩa với ép làm thêm giờ. Việc bắt buộc thi hành văn hóa làm thêm giờ 996 không chỉ phản ánh sự kiêu ngạo của các quản lý doanh nghiệp, mà còn bất công và không thực tế”, nhật báo Nhân Dân viết.
Du Lam (Theo SCMP, CNN)