Không phải đến tận WWDC 2020 thì thông tin về những chiếc Mac chạy chip ARM mới xuất hiện. Những thông tin về máy Mac chạy ARM xuất hiện đầu tiên vào năm 2018, lan tỏa đến cả các quan chức của Intel và đầu năm nay lại được "ông đồng" Ming Chi-Kuo khẳng định chắc chắn.
Nhưng với người dùng Mac, đây có thể là một bước chuyển lớn trên cỗ máy mà họ dùng hàng ngày cho công việc. ARM và Intel x86 là 2 kiến trúc chip cực kỳ khác biệt, thậm chí còn không sử dụng chung kiến trúc tập lệnh (ISA). Liệu sự xuất hiện của những chiếc máy Mac chạy ARM có tạo ra các vấn đề tương thích ứng dụng, và quan trọng hơn là có khiến máy Mac chạy chip Intel trở nên lỗi thời?
Câu trả lời là không. Và đây là 3 lý do cho phép người dùng MacBook hiện tại không cần phải lo lắng về bước chuyển lớn sắp được Apple thực hiện.
1. macOS được thiết kế cho mọi loại vi xử lý
Là một hệ điều hành Unix, macOS (Mac OS X) không hề phụ thuộc vào kiến trúc chip.
Đây không phải là lần đầu tiên Apple thay đổi vi xử lý sử dụng cho máy Mac, và Intel cũng không phải là loại vi xử lý đầu tiên được Apple lựa chọn cho những chiếc Mac đã góp phần hồi sinh công ty này. Trước 2005, máy Mac sử dụng chip PowerPC do liên minh Apple, IBM và Motorola phối hợp phát triển.
PowerPC cũng chính là kiến trúc được sử dụng trên Xbox 360, PS3 và Nintendo Wii. Sự khác biệt giữa PowerPC và Intel là lý do khiến cho chất lượng game port (chuyển đổi nền tảng) từ console sang PC dùng chip x86-64 và chạy Windows trong thời gian này không được đồng đều. Tuy vậy, với Apple, quá trình chuyển từ PowerPC sang chip Intel lại khá "êm ả".
Lý do là bởi, theo lời Steve Jobs, "Nguyên tắc của chúng tôi là thiết kế của OS X phải không phụ thuộc vào vi xử lý". Thậm chí, trước khi chuyển sang Intel, Apple còn bí mật thực hiện compile (biên dịch) mã nguồn phần mềm trên cả PowerPC và Intel trong vòng 5 năm liên tiếp. Xét tới các tin đồn xoay quanh máy Mac và ARM trong 2 năm qua, có lẽ ngay cả Mojave (2018) và Catalina (2019) cũng đã có khả năng hỗ trợ cho chip ARM rồi.
2. Apple sẽ còn hỗ trợ cho máy Mac chạy Intel trong một thời gian dài
Những chiếc máy Mac luôn có vòng đời hỗ trợ rất, rất dài.
Quyết định chuyển sang sử dụng chip Intel đã không biến những cỗ máy Mac chạy PowerPC thành "đồ bỏ đi". Phải tới 6 năm sau đó, Apple mới đưa những chiếc máy Mac cuối cùng dùng PowerPC vào danh sách "lỗi thời" (obsolete) và ngừng cung cấp cập nhật phần mềm cho dòng máy này.
Phiên bản macOS mới nhất hiện vẫn hỗ trợ những chiếc Mac từ năm 2012. Hai phiên bản cũ hơn, nhưng vẫn được cập nhật bản vá là Mojave và High Sierra thậm chí còn hỗ trợ máy Mac từ năm 2009. Như vậy, trong trường hợp rất khó xảy ra là Apple từ bỏ hoàn toàn chip Intel để chuyển sang sử dụng duy nhất chip ARM, người dùng Mac hiện tại vẫn có thể yên tâm rằng cỗ máy của họ sẽ còn được hỗ trợ trong thời gian dài.
3. Apple sẽ còn tiếp tục hỗ trợ chip Intel
Một trong những nhóm người dùng quan trọng nhất của Apple là người dùng chuyên nghiệp: coder, designer, các nhà nghiên cứu v…v… Với nhóm người dùng này, khả năng tương thích chéo của máy Mac là lý do lớn nhất để lựa chọn Apple. Nếu chuyển sang chỉ sử dụng chip ARM, Apple sẽ khiến Mac mất đi phần lớn khả năng tương thích với Windows, nhất là khi chính Microsoft vẫn chưa thể giúp cho hệ điều hành của mình chạy tốt trên ARM.
Bởi vậy, theo nhận định của chúng tôi rất có thể Apple sẽ chỉ sử dụng ARM trên một số lượng Mac giới hạn thay vì thay thế toàn bộ. Do lợi thế của ARM là thời lượng pin, khả năng tích hợp tốt với model 4G/5G và thiết kế mỏng nhẹ, gần như chắc chắn Apple sẽ chỉ dùng dòng chip này cho MacBook Air và Mac Mini, hoặc để "hồi sinh" MacBook 12 inch trong tương lai.
Apple có lẽ sẽ chỉ giới hạn ARM vào những chiếc Mac mỏng nhẹ như MacBook Air hay MacBook 12 inch.
Cách đây chỉ 3 tháng, Apple cũng ra mắt MacBook Air và MacBook Air mới. Tất cả đều sử dụng chip Intel. Không công ty nào lại ra mắt sản phẩm mới chỉ để liệt kê vào danh sách "lỗi thời" vài tháng sau đó, và bởi thế các iFan hoàn toàn có thể yên tâm rằng Apple sẽ luôn hỗ trợ cả ARM lẫn Intel.
Quan trọng hơn cả, Apple chẳng có lý do gì để từ bỏ x86. Nhu cầu dùng x86 vẫn còn, hệ điều hành của máy Mac đã tương thích với tất cả các loại chip có trên thị trường, và AMD cũng đang dần phế truất Intel để trở thành nhà cung ứng chip x86 số 1 hiện nay. Mọi yếu tố đều đã quy tụ để Apple ra mắt thêm Mac ARM bên cạnh Mac x86, chứ không phải là để thay thế hoàn toàn.
Lấy link