Bình luận được Tiến sĩ Nguyễn Quân chia sẻ tại tọa đàm “Đưa công nghệ vũ trụ trở thành động lực phát triển mới” do báo Tiền phong tổ chức sáng 24/7.
Cựu Chủ tịch Ủy ban Vũ trụ Việt Nam nhận xét Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã đặt vấn đề rất đúng đắn về vai trò của công nghệ vũ trụ.
Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 131 xác định danh mục các công nghệ chiến lược và các sản phẩm công nghệ chiến lược mà Nhà nước tập trung phát triển. Trong đó, có công nghệ vũ trụ và một số sản phẩm công nghệ vũ trụ phù hợp với nhu cầu, năng lực của nền kinh tế Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tiền phong Tiến sĩ Nguyễn Quân cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, công nghệ vũ trụ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu, nhất là khi chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới. Các quốc gia lớn sẽ không đạt được mục tiêu của họ nếu thiếu các thiết bị công nghệ vũ trụ.
Nhận xét chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ Việt Nam vốn đã ban hành từ lâu, cần được cập nhật, ông cho rằng: “Trong thời gian tới, Việt Nam cần có sự quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư cho công nghệ vũ trụ... Chúng ta phải đầu tư sâu hơn, nhiều hơn cho công nghệ vũ trụ, vì nhu cầu an ninh quốc phòng đang đặt ra vấn đề mà các nhà khoa học Việt Nam phải quan tâm. Chúng ta không thể bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền không gian, nếu chúng ta không có những nhà khoa học giỏi về công nghệ vũ trụ”.
Việt Nam cần sớm thành lập Cơ quan Hàng không Vũ trụ quốc gia
Công nghệ vũ trụ là một trụ cột chiến lược cho nền kinh tế và an ninh quốc gia, đồng thời có tiềm năng kinh tế toàn cầu rất lớn. Dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu ban đầu với các vệ tinh nhỏ và chủ trương phát triển từ Đảng và Nhà nước, vẫn còn nhiều điểm nghẽn về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Để vượt qua những rào cản này, các chuyên gia tham dự hội nghị đã thảo luận, đề xuất giải pháp đột phá bao gồm hoàn thiện thể chế, tăng cường đầu tư, thu hút nhân tài và phát triển hệ sinh thái vũ trụ bền vững.
Tổng Biên tập báo Tiền phong Phùng Công Sưởng điều phối tọa đàm. Ảnh: Tiền phong Tổng Biên tập báo Tiền phong Phùng Công Sưởng thông tin, công nghệ vũ trụ đang được ứng dụng thiết thực trong đời sống như dự báo thời tiết, phòng chống thiên tai, viễn thông, nông nghiệp thông minh, giám sát môi trường, quy hoạch đô thị, logistics, cũng như an ninh - quốc phòng. Ông dẫn báo cáo của Space Foundation cho thấy kinh tế vũ trụ toàn cầu năm 2024 đã đạt gần 613 tỷ USD và được dự báo vượt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030, cho thấy tốc độ tăng trưởng ấn tượng và tiềm năng to lớn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, Việt Nam đang có những thuận lợi lớn để phát triển công nghệ vũ trụ với các văn bản pháp lý như Nghị quyết 57, Nghị quyết 193 và Quyết định 131. Ông kiến nghị Nhà nước không nên đầu tư dàn trải mà tập trung vào nghiên cứu, phát triển hệ thống vệ tinh tầm thấp, vệ tinh nhỏ, hệ thống vệ tinh viễn thông – viễn thám và các hệ thống điều hành mặt đất, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học trong lĩnh vực khoa học vũ trụ.
“Chính phủ nên giao Bộ KH&CN thành lập hay điều hành một chương trình khoa học công nghệ của quốc gia về công nghệ vũ trụ. Chương trình này có thể do Uỷ ban Vũ trụ Việt Nam chủ trì điều hành, để sớm có sản phẩm công nghệ chiến lược về vũ trụ”, ông đề xuất.
Một số đề xuất khác được ông nêu ra bao gồm cụ thể hóa quan điểm của Nghị quyết 57, 193, 131; thí điểm cơ chế sandbox theo Nghị quyết 193 với một dự án công nghệ lớn, giao quyền tự chủ rất cao cho tổng công trình sư, miễn trừ trách nhiệm cho người chủ trì; đầu tư đủ lớn, chấp nhận “đầu tư mạo hiểm”, “văn hóa thất bại” để các nhà khoa học dám dấn thân; có chính sách đào tạo và thu hút cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ vì nếu chỉ trông chờ vào kinh tế thị trường sẽ khó có được những nhà khoa học giỏi trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản.
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, mong muốn vũ trụ là 1 trong 5 không gian chiến lược của Việt Nam. Ảnh: Tiền phong Muốn phá vỡ rào cản, khó khăn và thúc đẩy sự phát triển ngành công nghệ vũ trụ cần xây dựng chiến lược dài hạn, không chỉ ở mức 10 năm mà phải dài hơi hơn, đến năm 2040, 2050 và có cơ chế đảm bảo tài chính đi theo chiến lược. Để làm được điều này, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, đề xuất sớm xây dựng một cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia, trực thuộc Chính phủ, để điều hành tập trung, điều phối, tránh đầu tư trùng lặp.
Bên cạnh đó, ông cho rằng nên có một Nghị quyết phát triển kinh tế vũ trụ tương tự kinh tế biển.
“Đã đến lúc chúng ta cần xác định vũ trụ không chỉ là công nghệ chiến lược mà còn là một ngành kinh tế tiềm năng. Việc xây dựng một chiến lược quốc gia về kinh tế vũ trụ sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới, từ ứng dụng vệ tinh, viễn thông, đến các dịch vụ liên quan”, ông Tuấn kết luận.