Huawei: Từ bầm dập vì Mỹ đến thủ lĩnh ‘ba đầu, sáu tay’ của Trung Quốc

Dù phải chịu nhiều năm cấm vận và hạn chế từ Mỹ, tập đoàn viễn thông Huawei vẫn vươn lên mạnh mẽ để trở thành một trong những đối thủ đáng gờm nhất trong toàn bộ chuỗi giá trị trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc.


Với tham vọng xây dựng một hệ sinh thái AI khép kín - từ chip bán dẫn, trung tâm dữ liệu, hệ điều hành đến mô hình AI - Huawei đang định hình lại vai trò của mình: không chỉ là nhà cung cấp hạ tầng mạng, mà còn là đầu tàu công nghệ AI của Trung Quốc.


Bị ép phải thay đổi và vượt lên


“Huawei đã bị buộc phải mở rộng trọng tâm kinh doanh do áp lực từ bên ngoài”, Paul Triolo, Phó Chủ tịch tại hãng tư vấn DGA-Albright Stonebridge Group nhận định.


Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen năm 2019, Huawei mất quyền tiếp cận với các công nghệ chủ chốt từ phương Tây - bao gồm chip cao cấp và hệ điều hành Android - khiến mảng tiêu dùng lao dốc. Tuy vậy, chính cú sốc này đã buộc công ty phải tái cấu trúc và đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghệ khác.


Điều đặc biệt là Huawei không chỉ xoay trục mà còn mở rộng quy mô với tốc độ hiếm thấy. Từ phát triển chip AI (dòng Ascend), nền tảng điện toán đám mây, đến hệ điều hành HarmonyOS và mô hình ngôn ngữ lớn Pangu, Huawei đang có mặt ở mọi khâu quan trọng của chuỗi giá trị AI.


huawei cnbc
Gian hàng của Huawei tại triển lãm MWC Barcelona 2025. Ảnh: CNBC

Nếu Nvidia là cái tên thống trị toàn cầu trong lĩnh vực GPU AI, Huawei đang nổi lên như một phương án thay thế trong bối cảnh Trung Quốc bị hạn chế tiếp cận chip cao cấp của Mỹ. CEO Nvidia, Jensen Huang, từng gọi Huawei là “một trong những công ty công nghệ đáng gờm nhất thế giới”. Thậm chí, ông cảnh báo Huawei có thể thay thế Nvidia tại đại lục nếu các hạn chế của Washington vẫn tiếp tục.


Huawei ra mắt chip AI Ascend 910 vào năm 2019 và tiếp tục phát triển phiên bản 910B, rồi 910C mới nhất. Công ty cũng đã phát triển hệ thống AI CloudMatrix 384, kết nối 384 chip Ascend 910C thành một cụm siêu máy tính trong trung tâm dữ liệu.


Một số báo cáo phân tích cho rằng hệ thống này vượt trội so với sản phẩm đối thủ GB200 NVL72 của Nvidia về một số chỉ số.


Thêm vào đó, Huawei còn phát triển phần mềm CANN – đối thủ trực tiếp của nền tảng CUDA mà Nvidia sử dụng để huấn luyện và triển khai mô hình AI. Tuy chưa đủ phổ biến để thay thế hoàn toàn, điều này cho thấy Huawei đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái AI độc lập và hoàn chỉnh.


Hệ sinh thái Ascend tái định hình hạ tầng AI toàn cầu


Dù cạnh tranh trong lĩnh vực chip là một điểm nhấn, Huawei không chỉ dừng lại ở phần cứng. Chiến lược “hệ sinh thái Ascend” của công ty bao trùm nhiều tầng lớp hơn - từ chip, hạ tầng điện toán, trung tâm dữ liệu, đến mô hình AI và các ứng dụng thực tế.


Trung tâm của hệ sinh thái này là Huawei Cloud - đơn vị điện toán đám mây ra mắt từ năm 2017. Các trung tâm dữ liệu của Huawei Cloud hiện đang vận hành những cụm AI lớn dùng để huấn luyện các mô hình Pangu - dòng mô hình AI của Huawei được thiết kế theo hướng chuyên biệt cho từng ngành nghề như y tế, tài chính, chính phủ và công nghiệp nặng.


Công ty đầu tiên cán mốc vốn hóa 4.000 tỷ USDNvidia của Jensen Huang vừa trở thành công ty đầu tiên trên thế giới cán mốc vốn hóa 4.000 tỷ USD trong phiên giao dịch ngày 9/7.

Khác với các mô hình AI đa dụng như GPT-4 hay Gemini, Pangu tập trung giải các bài toán thực tiễn trong doanh nghiệp.


Tính đến giữa năm 2024, Huawei cho biết mô hình này đã được triển khai trong hơn 20 ngành nghề.


Đội ngũ kỹ thuật của hãng thường làm việc nhiều tháng tại hiện trường - kể cả trong các mỏ than xa xôi - để triển khai và tùy chỉnh giải pháp.


Một ví dụ cụ thể là vào tháng 5/2024, Huawei đã triển khai hơn 100 xe tải tự lái vận hành bằng điện để vận chuyển đất đá và than, kết hợp giữa mạng 5G, AI và dịch vụ đám mây do chính họ cung cấp.


Theo các nhà phân tích của Forrester, Huawei không chỉ bắt kịp mà còn “đang tái định nghĩa cách hạ tầng AI vận hành”. Bằng việc kết hợp các chip rẻ hơn thành cụm xử lý lớn, Huawei đưa ra một phương án tiết kiệm năng lượng hơn để xử lý các tác vụ AI đòi hỏi cao - một bước đi phù hợp trong bối cảnh thế giới đối mặt với giới hạn tài nguyên điện toán.


Tuy nhiên, điểm yếu hiện tại là hệ sinh thái phần mềm của Huawei chưa đủ rộng để thu hút các nhà phát triển chuyển từ nền tảng CUDA/Nvidia sang. Điều này có thể cần thêm thời gian và chiến lược mở rộng, đặc biệt là ra các thị trường quốc tế.


Đáng chú ý, Huawei đã công bố mã nguồn mở các mô hình Pangu, một động thái giúp tăng tính minh bạch và thúc đẩy cộng đồng phát triển xoay quanh hệ sinh thái Ascend.


Công ty cũng được cho là sẽ đẩy mạnh triển khai hệ sinh thái AI này tại các quốc gia nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc - như Trung Á, Châu Phi, và Đông Nam Á - những nơi từng là thị trường mục tiêu của mảng viễn thông trước đây.


Những đòn trừng phạt từ Mỹ không làm Huawei khuất phục, mà ngược lại, tạo nên một biểu tượng công nghệ “tự lực cánh sinh” tại Trung Quốc.


Sự kiện Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Canada vào năm 2018 càng làm tăng tính biểu tượng của Huawei trong tâm thức người dân Trung Quốc - như một doanh nghiệp “tử vì đạo” trong cuộc chiến công nghệ với phương Tây.


Chính điều này khiến Huawei trở thành “nhà vô địch công nghệ quốc gia” trong cuộc đua AI của Trung Quốc, được nhà nước hậu thuẫn mạnh mẽ để phát triển toàn diện từ hạ tầng đến ứng dụng.


Từ một công ty bán thiết bị chuyển mạch điện thoại trong căn hộ nhỏ tại Thâm Quyến năm 1987, Huawei giờ đây đã trở thành một trong những lực lượng dẫn dắt AI toàn cầu - ít nhất là ở phía bên kia cuộc đối đầu công nghệ.