Ngày 15/7, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ phát động 100 ngày cao điểm "Bình dân học vụ số" nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng một tỉnh Đắk Lắk phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Lễ phát động được trực tuyến đến 102 xã phường trên địa bàn tỉnh này.
Ông Đỗ Hữu Huy (giữa) cùng lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk nhấn nút khởi động thi công dự án xây dựng hạ tầng chuyển đổi số. Ảnh: Hải Dương Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Hữu Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, gần 80 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào "Bình dân học vụ" nhằm kêu gọi toàn dân “diệt giặc dốt”, coi việc học là quyền, nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt.
Nối tiếp tinh thần đó với một sứ mệnh mới "diệt giặc mù công nghệ, giặc mù kỹ năng số, giặc mù thông tin..., việc phát động 100 ngày “Bình dân học vụ số” không chỉ là một phong trào mà là một cuộc cách mạng về nhận thức, hành động và tư duy phát triển.
Theo ông Huy, chúng ta đang sống trong thời đại mà tri thức không còn bị giới hạn bởi sách vở; công nghệ và kỹ năng số đã trở thành điều kiện sống còn để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục... Do đó, 100 ngày cao điểm thực hiện “Bình dân học vụ số” là khoảng thời gian cực kỳ quý giá để triển khai nhanh, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, nhất là trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mới chính thức đi vào hoạt động được 15 ngày...
Sau khi thay mặt thường trực Tỉnh ủy phát động 100 ngày cao điểm thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”, ông Huy đề nghị, 100 ngày tới cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc một cách đồng bộ, chủ động, quyết liệt.
Các sở, ban, ngành, địa phương cần chủ động đầu tư trang thiết bị, đảm bảo nguồn nhân lực; rà soát lại chương trình đào tạo, tổ chức các lớp phổ cập kỹ năng số phù hợp với từng đối tượng từ người lớn tuổi, thanh niên, cán bộ công chức đến nông dân, doanh nghiệp....
Đồng thời, đề nghị mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội... phải là những người đi đầu, gương mẫu trong việc học và hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ. Các trường học, trung tâm giáo dục cộng đồng, thư viện, nhà văn hóa cần mở cửa rộng rãi, trở thành nơi lan tỏa tri thức số đến từng bản làng, thôn, xóm. Các doanh nghiệp về công nghệ, doanh nhân, các tổ chức xã hội cùng chung tay hỗ trợ thiết bị, xây dựng nội dung đào tạo, chia sẻ giải pháp số, đồng hành cùng chính quyền để không ai bị bỏ lại phía sau.
"Các mục tiêu, nhiệm vụ của 100 ngày cao điểm phải được xây dựng theo hướng “động” và “mở”, sẽ được bổ sung, cập nhật, điều chỉnh kịp thời qua từng giai đoạn nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, các chỉ đạo mới nhất của Trung ương, của tỉnh Đắk Lắk", ông Huy cho biết thêm.