Ngọn lửa ở thác Eternal Flame, New York
Tại công viên Chestnut Ridge ở New York, một ngọn lửa nhấp nháy chính là nguồn gốc tên gọi của thác Eternal Flame. Được bảo vệ khỏi dòng thác do nằm trong hốc đá, ngọn lửa này có thể tự cháy mãi mãi, dù đôi khi bị tắt. Đây là một hiện tượng cực hiếm gặp, có chưa đến 50 ngọn lửa vĩnh cửu trên thế giới, theo nhà địa chất Giuseppe Etiope. Khí tự nhiên dễ cháy, được tạo ra khi nhiệt độ cực cao nấu chín vật liệu hữu cơ, rò rỉ từ dưới lòng đất, liên tục cung cấp nhiên liệu cho ngọn lửa. Con người, cháy rừng hoặc sét có thể là nguyên nhân châm lửa.
Điều đặc biệt về ngọn lửa ở New York là nguồn của nó, nằm sâu hơn 396 m dưới bề mặt trong thành hệ đá phiến Rhinestreet và tương đối mát. "Giả thuyết truyền thống về cách hình thành khí tự nhiên là cần nung nóng hơn nhiệt độ sôi của nước", nhà nghiên cứu Arndt Schimmelmann cho biết. "Nhưng đá ở đây chưa bao giờ nóng đến mức đó". Một trong những giả thuyết của giới nghiên cứu là khoáng chất như sắt hoặc niken có thể cung cấp chất xúc tác cho ngọn lửa.
Miệng hố Savonoski, Alaska
Tại Đài tưởng niệm Katmai ở tây nam Alaska, một hồ nước hình tròn hoàn hảo đến mức không thể không do con người tạo ra, rộng hơn 488 m và sâu hơn 110 m. Tuyết tan và mưa lấp đầy miệng hố, hình thành vào khoảng thời gian trong hoặc trước kỷ băng hà cuối cùng. Vào thập niên 1960 và 1970, các nhà khoa học nghiên cứu miệng hố Savonoski cố gắng tìm bằng chứng về tác động của thiên thạch, có thể một thiên thạch đã tạo ra miệng hố sâu và tròn này. Tuy nhiên, sông băng rút đi có thể đã mang theo bất kỳ dấu vết nào của vụ va chạm.
Miệng hố Savonoski cũng có thể là kết quả của vụ phun trào núi lửa mà giáo sư T. Neil Davis ở Đại học Alaska Fairbanks mô tả là "phun trào thất bại" trong bài báo năm 1978. Khi ống magma chạm vào mạch nước ngầm gần bề mặt Trái Đất, nó phun trào trong vụ nổ hơi nước, tạo thành hố đá. Vụ phun trào tiếp tục tỏa ra khói và tro trước khi lắng xuống do thiếu áp lực.
Cát hát, Trung Quốc
Âm thanh rung động thấp phát ra từ cát đổ xuống các đụn cát ở Đôn Hoàng, Trung Quốc, đôi khi đủ lớn để nghe thấy từ khoảng cách 9,6 km. Theo Cục khảo sát Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ, một số điều kiện như kích thước, hình dạng và hàm lượng silica của cát, phải phù hợp để tạo ra âm thanh. Theo nghiên cứu năm 2012 trên tạp chí AGU, lý do tần số của cát đổ lại nghe như âm nhạc vẫn là một bí ẩn.
Vòng tròn thần tiên, sa mạc Namib
Trong nhiều thập kỷ, những khoảng đất trống trên đồng cỏ khô cằn của sa mạc Namib khiến giới khoa học bối rối. Mang tên "vòng tròn thần tiên", chúng nổi bật so với thảm thực vật màu xanh xung quanh của Nam Phi. Một số nhà khoa học cho rằng những đàn mối ăn cây và đào hang trong đất, tạo thành vòng tròn ngày càng lớn. Trong một nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí Science Direct, một nhóm nhà nghiên cứu cho biết họ không tìm thấy bằng chứng về sự hiện diện của côn trùng trong vòng tròn. Thay vào đó, họ sử dụng cảm biến để theo dõi sự hấp thụ độ ẩm của cây.
Kết quả của họ cho thấy phản hồi sinh thái học đã tạo ra vòng tròn trống. Về cơ bản, những khoảng đất này không có thảm thực vật để chuyển hướng nhiều nước hơn đến khu vực có cỏ. Các nhà nghiên cứu khác đề xuất vi sinh vật có thể là thủ phạm tiềm năng cho vòng tròn tương tự ở Australia.
Hồ Hillier, Australia
Ngoài khơi Tây Australia là hồ Hillier màu hồng rực rỡ. Các nhà sinh học nêu giả thuyết vi sinh vật tạo sắc tố là nguyên nhân tạo ra màu sắc của hồ. Năm 2022, một nhóm nghiên cứu công bố kết quả sau khi xem xét hệ vi sinh vật trong nước. Họ tìm thấy vài loại vi khuẩn, virus và tảo, một số sản xuất lưu huỳnh tím trong khi số khác có liên quan đến màu đỏ cam, kết hợp với nhau chúng tạo ra màu hồng bắt mắt.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sinh vật khác có thể góp phần dẫn tới màu sắc đặc biệt của hồ và cần tìm hiểu sâu hơn. Cùng năm đó, lượng mưa lớn làm loãng độ mặn cũng là yếu tố quan trọng quyết định màu sắc. Theo ABC, hiện nay, hồ chỉ có màu hồng nhạt, nhưng giới khoa học cho rằng màu sắc rực rỡ sẽ trở lại khi nước bốc hơi nhiều hơn.
An Khang (Tổng hợp)