Luật Take It Down phạt tối đa 3 năm tù kèm phạt tiền với người phát tán hình ảnh thân mật, bao gồm deepfake AI và trả thù tình, mà không có sự đồng thuận.
Luật cũng yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải có quy trình xóa nội dung NCII trong vòng 48 tiếng kể từ khi nhận thông báo và “thực hiện nỗ lực hợp lý” để gỡ bỏ tất cả bản sao hoặc đăng lại.
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ được giao nhiệm vụ thi hành luật và các công ty có 1 năm để tuân thủ.
Tại lễ ký ngày 19/5, Tổng thống Trump khẳng định tình trạng gia tăng các hình ảnh AI đồng nghĩa với “vô số phụ nữ bị quấy rối bằng deepfake và hình ảnh khiêu dâm khác bị phát tán trái với ý muốn của họ”. Ông gọi những điều đang xảy ra là “sai trái khủng khiếp”.
“Hôm nay, chúng ta sẽ cấm điều đó hoàn toàn”, ông tuyên bố.
Tổng thống Donald Trump ký thông qua dự luật Take It Down ngày 19/5. Ảnh: Xinhua Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết đạo luật sẽ bảo vệ nạn nhân trước việc bị khai thác kỹ thuật số, buộc các nền tảng Internet chịu trách nhiệm và mang lại công bằng cho các nạn nhân khi cho phép công tố viên truy đuổi những kẻ đăng tải hình ảnh trái phép.
Luật làm rõ việc đồng ý tạo hình ảnh thân mật không có nghĩa đồng ý cho chia sẻ. Hình ảnh thân mật không đồng thuận được định nghĩa là ảnh thực tế, ảnh/video khiêu dâm do máy tính tạo ra, mô tả người thật và có thể nhận diện được.
Dự luật được Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Ted Cruz và Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Amy Klobuchar giới thiệu năm 2024 và nhận sự ủng hộ lớn từ lưỡng đảng.
Dù hầu hết các tiểu bang đều đã có luật bảo vệ mọi người trước hình ảnh NCII và deepfake khiêu dâm, luật rất khác nhau về phân loại tội phạm và hình phạt. Các nạn nhân cũng phải vật lộn để xóa hình ảnh của mình khỏi các trang web.
Theo Cruz, luật lấy cảm hứng từ Elliston Berry và mẹ sau khi mạng xã hội Snapchat từ chối gỡ ảnh deepfake của cô bé 14 tuổi. Chia sẻ trên CNN năm ngoái, Berry bày tỏ mỗi ngày đều phải đối mặt với nỗi lo những hình ảnh này sẽ bị “đào lên”.
“Khi dự luật được thông qua, cháu không còn phải sống trong sợ hãi nữa vì biết những kẻ đưa ảnh lên sẽ bị trừng trị”, em cho biết.
Trong một tuyên bố, Klobuchar nhấn mạnh các nạn nhân phải được pháp luật bảo vệ khi hình ảnh thân mật bị chia sẻ trái phép, đặc biệt trong bối cảnh deepfake đang tạo ra những cơ hội lạm dụng khủng khiếp. “Những hình ảnh này có thể hủy hoại cuộc sống danh dự”, bà nói.
Deepfake là những hình ảnh, video, âm thanh được chỉnh sửa hoặc tạo mới hoàn toàn bởi AI, trông rất giống thật mà đối tượng của nội dung đó không hay biết.
Nhiều nạn nhân của deepfake bị đặt vào các tình huống bẽ bàng, gây tranh cãi. Deepfake ngày càng đáng lo ngại với sự bùng nổ của công nghệ AI.
Trước áp lực từ nhà lập pháp và xã hội, các hãng công nghệ như Google, Meta, Snapchat đều đã giới thiệu cách thức để người dùng gửi yêu cầu gỡ ảnh.
Những công ty khác lại phối hợp với các tổ chức phi lợi nhuận để tiến hành gỡ bỏ hình ảnh trên nhiều nền tảng cùng một lúc, dù không phải website nào cũng phối hợp.
Apple và Google cũng nỗ lực xóa bỏ các dịch vụ AI có thể biến hình ảnh bình thường thành ảnh khiêu dâm trên các chợ ứng dụng và kết quả tìm kiếm.
Tuy nhiên, kẻ xấu vẫn thường tìm kiếm những nền tảng chưa có hành động nào, cho thấy sự cần thiết phải có những luật như Take It Down.
(Theo The Guardian, USA Today, CNN)