Thời đại số buộc giáo dục đổi mới tư duy
Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (Bộ KH&CN) vừa chủ trì, phối hợp cùng Công ty cổ phần Truyền thông văn hóa Con Sóc và BSM Labs tổ chức talkshow chủ đề “AI & Coding – Tư duy công nghệ cho thế hệ tương lai”.
Tại diễn đàn mở này, các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh cũng như đối tác công nghệ đều thống nhất rằng “Trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo - AI có thể viết, vẽ, giải toán thay con người, giáo dục không thể chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức như trước đây”; đồng thời tập trung thảo luận về con đường đưa AI vào trường học với vai trò không phải một môn học kỹ thuật đơn thuần, mà tiếp cận như một cách tư duy mới trong giáo dục.
Các diễn giả trao đổi tại talkshow chủ đề “AI & Coding – Tư duy công nghệ cho thế hệ tương lai”. Ảnh: Y.M Bàn về đổi mới giáo dục trong thời đại số, ông Thái Thanh Nhật Quang, CEO BSM Labs nhận định: Thách thức lớn nhất không phải là công nghệ hay cơ sở vật chất, mà là tư duy về giáo dục công nghệ. Chúng ta thường sa vào 2 cực đoan, hoặc quá tập trung vào kỹ thuật mà quên đi tư duy, hoặc quá lý thuyết mà thiếu thực hành.
“AI không chỉ là một môn học mới, nó là một lăng kính để nhìn nhận lại mọi lĩnh vực. Khi ChatGPT có thể viết tiểu luận, Mid Journey có thể vẽ tranh, và các công cụ AI khác có thể giải toán học, vấn đề đặt ra không còn là dạy cái gì mà là dạy người học cách tư duy như thế nào”, ông Thái Thanh Nhật Quang phân tích.
Từ thực tế tham gia phát triển các giải pháp ứng dụng AI, IoT trong giáo dục, ông ông Thái Thanh Nhật Quang đề xuất giáo dục Việt Nam cần chuyển dịch mạnh mẽ về tư duy, cụ thể là cần rời xa mô hình “truyền đạt và ghi nhớ” để đến với mô hình “kích hoạt và khám phá”. Người học thời nay cần được khuyến khích đặt câu hỏi, thách thức giả định, và phát triển khả năng tự học - những kỹ năng mà AI không thể tự động hóa được.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải có những định hướng sâu hơn trong việc sử dụng AI, ông Thái Thanh Nhật Quang cho rằng: “Sử dụng AI cần đi kèm với giáo dục đạo đức công nghệ. AI rất mạnh trong sao chép và cũng rất dễ bị lạm dụng để vi phạm bản quyền. Vì thế, cần có hướng dẫn rõ ràng để người dùng hiểu rằng AI là công cụ hỗ trợ, không thay thế năng lực sáng tạo của con người”.
Công cụ góp phần để học sinh bớt ngại và bớt sợ AI
Tại sự kiện, nhiều đại biểu tham dự đã bày tỏ sự lo ngại trước những mặt trái của việc trẻ tiếp xúc sớm với công nghệ như nguy cơ lệ thuộc vào AI, mất kỹ năng xã hội, hay sử dụng AI để vi phạm bản quyền sáng tạo.
Giải đáp băn khoăn trên, cả CEO BSM Labs Thái Thanh Nhật Quang và bà Kim Ngà, Giám đốc công ty GenAI đều nhấn mạnh rằng, công nghệ không thể thay thế hoàn toàn vai trò giáo dục của con người; việc sử dụng AI cần gắn liền với giáo dục đạo đức, tư duy phản biện và kỹ năng chọn lọc thông tin.
Bộ sách “AI & Coding - Trí tuệ nhân tạo và Ngôn ngữ lập trình” vừa được giới thiệu tại talkshow về tư duy công nghệ cho thế hệ tương lai. Ảnh: Y.M Một điểm nhấn của talkshow về tư duy công nghệ cho thế hệ tương lai là phần giới thiệu bộ sách “AI & Coding - Trí tuệ nhân tạo và Ngôn ngữ lập trình”. Khác với hình dung thường thấy về các giáo trình lập trình nặng tính kỹ thuật, bộ sách mới được cho ra mắt, chú trọng phát triển tư duy logic, phân tích, sáng tạo và giải quyết vấn đề, thông qua hoạt động tương tác, hình ảnh minh họa và bài tập tình huống gần gũi.
Nội dung sách được phân chia theo các cấp độ từ lớp 1 đến lớp 12, cho phép giáo viên dễ dàng tích hợp vào nhiều hình thức dạy học, gồm chính khóa, ngoại khóa hay dự án trải nghiệm. Đây là một bộ sách hỗ trợ học sinh tiếp cận với những khái niệm nền tảng về AI và tư duy thuật toán một cách gần gũi, trực quan, không đòi hỏi kỹ năng lập trình phức tạp.
Các chuyên gia nhận xét bộ sách “AI & Coding - Trí tuệ nhân tạo và Ngôn ngữ lập trình” đang ở giai đoạn phổ cập kiến thức AI, đồng thời nhấn mạnh rằng việc phổ cập này rất quan trọng, vì nó giúp giáo viên, phụ huynh, học sinh bớt ngại và bớt sợ AI. Đây sẽ là bước đầu cần thiết để mở đường cho tư duy công nghệ đi vào giáo dục phổ thông.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng đề nghị đơn vị xây dựng bộ sách lưu ý các thách thức trong sử dụng AI để tiếp tục cập nhật nội dung về đạo đức sử dụng công nghệ, hướng tới mục tiêu trang bị cho người học cách thức sử dụng AI một cách nhân văn, có chọn lọc.