Trao đổi tại tọa đàm giới thiệu bộ sách “DeepSeek - AI cho mọi người - Tri thức cho mọi ngành” được tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, ông Bùi Minh Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (Bộ KH&CN) nhấn mạnh hiện tại đang là thời đại trí tuệ nhân tạo - AI hiện diện trong từng thao tác học tập, lao động, sáng tạo của con người.
Đại diện Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật cũng chia sẻ mong muốn đưa AI đến gần hơn cộng đồng người dùng trong nước thông qua việc ra mắt bộ sách DeepSeek, với kỳ vọng rằng sẽ “gieo được những câu lệnh khai sáng đầu tiên cho người Việt trong hành trình làm chủ công nghệ, để đưa AI trở thành đối tác đồng hành trong sáng tạo, học tập và phát triển của mỗi người”.
Tọa đàm giới thiệu bộ sách “DeepSeek - AI cho mọi người - Tri thức cho mọi ngành” được Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật tổ chức vào chiều ngày 16/5. Ảnh: N.Tuyết Chia sẻ góc nhìn của một chuyên gia ứng dụng AI trong lĩnh vực truyền thông và giáo dục, ông Nguyễn Phong Anh, nhà sáng lập Podcast “Chú mèo đi dép”, Giám đốc Công ty Viral Cas Media cũng nhấn mạnh: Các công cụ AI đang ngày càng phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong đó, DeepSeek đang là một ngôi sao mới nổi, với thị phần ngày càng phát triển.
Khẳng định tầm quan trọng của kỹ năng đặt câu hỏi, đưa ra câu lệnh – Prompt cho công cụ AI, ông Nguyễn Phong Anh phân tích: Cũng như mọi người ai cũng biết phát âm, biết tiếng Việt song không phải ai cũng biết nói sao để thuyết phục được người khác, cùng sử dụng AI nhưng không phải ai cũng biết cách nói chuyện với chatbot thế nào để hiệu quả.
“Các AI hiện nay cơ bản đều có chung một phương pháp làm việc. Nếu như mọi người đã làm việc với DeepSeek, ChatGPT thì có thể tương tác với các công cụ AI khác. Vấn đề nghĩ như thế nào để đặt được một câu lệnh cho AI mang lại hiệu quả với việc của mình mới là điều quan trọng. Để có kỹ năng này, mọi người cần phải học tập, rèn luyện”, ông Nguyễn Phong Anh nhận xét.
Từ thực tế tham gia dự án nâng cao kỹ năng về AI cho giảng viên và sinh viên do Meta phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Phong Anh cũng chỉ ra 2 thách thức lớn nhất trong việc phổ cập tư duy AI và các công cụ như DeepSeek, ChatGPT tại Việt Nam, đó là sự hạn chế về kỹ năng số của người dùng lớn tuổi và tâm lý lười suy nghĩ, ỷ lại vào AI của không ít bạn trẻ.
Ông Nguyễn Phong Anh, nhà sáng lập Podcast “Chú mèo đi dép”, Giám đốc Công ty Viral Cas Media chia sẻ quan điểm về phổ cập và ứng dụng AI tại Việt Nam. Ảnh: VA Cũng trong trao đổi tại tọa đàm được Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật tổ chức ngày 16/5, chuyên gia Nguyễn Phong Anh cho hay, trên thế giới và tại Việt Nam, ứng dụng AI vào công việc hiện vẫn theo mô hình “Top - down”, nghĩa là từ ý chí, sự chỉ đạo của người đứng đầu tổ chức, và đội ngũ cán bộ nhân viên triển khai.
Cho rằng việc triển khai ứng dụng AI theo mô hình trên sẽ đưa đến nhiều hệ lụy, ông Nguyễn Phong Anh khuyến nghị, cách làm phù hợp với các tổ chức, doanh nghiệp là cả lãnh đạo và nhân viên cùng có sự phát triển đồng đều, từng bước đưa AI vào ứng dụng trong công việc. Cách này sẽ mang lại kết quả hài hòa, hiệu quả hơn cho tổ chức cũng như như mỗi cá nhân và toàn xã hội.
“Một doanh nghiệp, tổ chức muốn ứng dụng AI vào công việc thì trước hết phải có nhiều bước đệm, trong đó có việc nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng cho người lao động”, nhà sáng lập Podcast “Chú mèo đi dép” nêu quan điểm.
Dẫu vậy, vị chuyên gia này lưu ý rằng người lao động vẫn cần chủ động học trước về AI để nâng cấp trình độ của bản thân để không bị rơi vào tình trạng mất việc khi chủ doanh nghiệp chọn dùng máy móc, AI thay thế con người.
Về vấn đề này, trao đổi với PV VietNamNet, bà Đào Thu Phương, CEO Siêu Việt Group, đơn vị sở hữu nền tảng việc làm Vieclam24h cho rằng: AI không trực tiếp thay thế người lao động, nhưng đang âm thầm loại bỏ những người chỉ làm những việc có thể dễ dàng lặp lại và mô hình hóa.
Vì thế, lời khuyên quan trọng của chuyên gia đến từ Siêu Việt Group là các nhân sự không bao giờ được chủ quan với vị trí hiện tại. Kỹ năng chuyên môn cần được cập nhật thường xuyên, nhưng song song đó, mỗi người cũng cần chủ động quan sát sự dịch chuyển của thị trường.
Một cách đơn giản nhưng hiệu quả được khuyến nghị tới người lao động là cần thường xuyên theo dõi các báo cáo thị trường lao động, hoặc truy cập các nền tảng việc để đọc mô tả công việc, nhận diện những kỹ năng đang được doanh nghiệp ưu tiên, cũng như mức độ cạnh tranh của từng vị trí thông qua số lượng ứng viên quan tâm.
Việc này sẽ giúp mỗi người lao động định vị lại bản thân trong bức tranh toàn cảnh, tránh rơi vào tình trạng lệch pha giữa năng lực cá nhân và nhu cầu thực tế.
Cùng với đó, khả năng làm việc với công nghệ mới như AI, điện toán đám mây, bảo mật hay dữ liệu lớn đang dần chuyển dịch từ lợi thế sang bắt buộc. “Tư duy linh hoạt, sẵn sàng học lại và không ngừng rà soát chính mình theo chuẩn thị trường chính là cách tốt nhất để người lao động duy trì năng lực cạnh tranh”, bà Đào Thu Phương nhấn mạnh.
Trong phiên bản đầu tiên của Khung kiến thức, kỹ năng số cơ bản được ban hành mới đây để phục vụ triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, Bộ KH&CN cũng đã nêu rõ nguyên tắc ưu tiên phổ cập kỹ năng AI. Bởi lẽ, AI không chỉ đóng vai trò trung tâm trong sự chuyển đổi công nghệ, mà còn đang đặt ra yêu cầu mới với người dùng: Ngoài việc thành thạo các công nghệ kỹ thuật số, người dùng còn cần phát triển khả năng hiểu biết, tương tác và tận dụng AI một cách hiệu quả. |