Ngày tận thế từ trường: Sự kiện Laschamps
Câu chuyện bắt đầu từ chuyển động hỗn loạn bên trong lõi ngoài nóng chảy của Trái Đất. Sự luân chuyển của kim loại nóng ở tầng này tạo ra các dòng điện, từ đó hình thành nên một từ trường khổng lồ bao quanh hành tinh.
Từ trường này đóng vai trò như một tấm khiên bảo vệ Trái Đất khỏi bức xạ vũ trụ và tia cực tím gây hại. Hiện nay, từ trường này có hai cực chính – Bắc và Nam – là nguyên nhân tạo ra hiện tượng cực quang ngoạn mục ở hai đầu Trái Đất.
Tuy nhiên, các cực từ này không hề cố định. Trong lịch sử hàng trăm triệu năm của hành tinh, hiện tượng đảo cực gọi là sự dịch chuyển địa từ đã xảy ra ít nhất 180 lần.
Một trong những sự kiện như vậy là “Sự kiện Laschamps”, diễn ra cách đây khoảng 41.000 năm, trong đó từ trường Trái Đất yếu đi tới 90% và cực Bắc bắt đầu “lang thang” trên khắp châu Âu.
Nhờ một mẫu cây hóa thạch được bảo quản hoàn hảo, các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan đã mô phỏng lại được diễn biến không gian của hiện tượng kỳ dị này, hé lộ một viễn cảnh đáng sợ mà tổ tiên chúng ta từng phải đối mặt.

Khi bầu trời rực rỡ và sự sống gặp nguy
Từ trường suy yếu khiến lượng bức xạ vũ trụ và tia cực tím đổ xuống Trái Đất tăng đột biến. Ánh sáng cực quang có thể đã rực sáng đến mức hiện diện khắp nơi, không chỉ ở hai cực mà ngay cả trên các vùng ôn đới.
Tuy nhiên, vẻ đẹp ngoạn mục đó đi kèm với những nguy cơ chết người. Bức xạ có thể làm mỏng tầng ozone, gây tổn thương mắt, đột biến gen, dị tật bẩm sinh và gia tăng tỉ lệ ung thư da.
Điều đáng chú ý là sự kiện Laschamps trùng khớp với một thời kỳ rất đặc biệt trong lịch sử loài người: khoảng thời gian Homo sapiens hiện đại cùng tồn tại với người Neanderthal.
Trong khi Homo sapiens không những sống sót mà còn tiếp tục phát triển và chiếm lĩnh hành tinh, thì người Neanderthal, họ hàng gần gũi nhất với chúng ta lại biến mất vĩnh viễn khỏi lịch sử.

Bí quyết sinh tồn của Homo sapiens: hang đá, quần áo và... kem chống nắng đất son
Vậy Homo sapiens đã làm gì để vượt qua thời kỳ mà Trái Đất bị phơi bày dưới trận mưa bức xạ vũ trụ? Câu trả lời có thể đến từ những dấu tích khảo cổ học còn sót lại.
Các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng về sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng hang động như nơi trú ẩn vào đúng thời kỳ Laschamps.
Cùng với đó là sự xuất hiện phổ biến hơn của kim xương và dùi, công cụ dùng để may quần áo. Những bộ quần áo làm từ da thú không chỉ giúp tổ tiên chúng ta giữ ấm mà còn đóng vai trò như lớp chắn bảo vệ khỏi tia cực tím.
Thậm chí, dấu vết của đất son – loại khoáng vật có màu đỏ hoặc vàng được dùng trong nghệ thuật hang động – cũng xuất hiện thường xuyên hơn.
Nhưng đất son không chỉ là sơn. Khi được nghiền nhỏ và bôi lên da, nó có thể đóng vai trò như một dạng kem chống nắng khoáng chất tự nhiên.
Phó giáo sư nhân chủng học Raven Garvey, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Đã có một số thử nghiệm thực nghiệm cho thấy đất son có đặc tính giống kem chống nắng. Nó là một loại kem chống nắng khá hiệu quả”.

Nếu một ngày bạn có thể quay ngược thời gian trở về 41.000 năm trước để gặp gỡ tổ tiên Homo sapiens của mình, hãy nhớ mang theo kem chống nắng – hoặc ít nhất là chuẩn bị một bộ quần áo che chắn kỹ càng và tìm nơi trú ẩn trong hang đá.
Người Neanderthal không kịp thích nghi?
Trái ngược với Homo sapiens, không có bằng chứng cho thấy người Neanderthal từng phát triển quần áo may đo, hay sử dụng đất son như một công cụ bảo vệ cơ thể.
Một giả thuyết được đưa ra là họ có thể đã không thích nghi đủ nhanh với điều kiện môi trường thay đổi đột ngột do từ trường suy yếu.
Sự chậm trễ trong ứng dụng các công cụ bảo vệ có thể đã khiến họ dễ tổn thương hơn trước bức xạ, góp phần vào sự suy tàn và cuối cùng là tuyệt chủng của chủng người này.
Tuy nhiên, Garvey nhấn mạnh rằng các phát hiện hiện tại vẫn mang tính tương quan cao, chứ chưa thể khẳng định hoàn toàn nguyên nhân – hậu quả. “Chúng tôi chỉ đang đề xuất một giả thuyết mới để giúp giải thích sự trỗi dậy của Homo sapiens và sự biến mất của người Neanderthal,” bà nói.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances , trong một thời kỳ hỗn loạn khi từ trường Trái Đất đảo cực, tổ tiên chúng ta đã sáng tạo ra nhiều cách độc đáo để sinh tồn trước bức xạ mặt trời khắc nghiệt – và đây có thể là một trong những lý do khiến Homo sapiens tiếp tục tồn tại, trong khi người Neanderthal lại tuyệt chủng.
Trong bối cảnh từ trường Trái Đất ngày nay cũng đang có dấu hiệu suy yếu, với cực Bắc từ liên tục dịch chuyển nhanh hơn về phía Siberia, câu chuyện của tổ tiên chúng ta có thể là một lời nhắc nhở giá trị.
Khả năng thích nghi, sáng tạo và tận dụng tài nguyên tự nhiên có thể là yếu tố then chốt để đảm bảo sự sống còn trước những biến động khắc nghiệt của tự nhiên – dù là trong thời tiền sử hay ở tương lai.
Và biết đâu, thứ kem chống nắng bạn đang sử dụng vào mùa hè hôm nay lại là một biến thể hiện đại của đất son cổ đại – minh chứng cho sự tiếp nối của một trong những sáng kiến sinh tồn lâu đời nhất của loài người.
Lấy link