Một gia đình tại Mỹ đã gây chú ý khi dùng trí tuệ nhân tạo để tái hiện hình ảnh và giọng nói của người thân đã khuất, cho anh "xuất hiện" tại phiên tòa và gửi đi thông điệp cuối cùng đến kẻ đã cướp đi mạng sống của mình.
Chris Pelkey, 37 tuổi, là một cựu binh Mỹ, mất mạng trong một vụ xả súng vì mâu thuẫn giao thông tại Chandler, bang Arizona vào năm 2021. Trong phiên tuyên án mới đây, bốn năm sau vụ việc, gia đình anh đã mang đến tòa một đoạn video đặc biệt: Chris "sống lại" nhờ công nghệ AI.
Đoạn video được dựng lại bằng AI từ hình ảnh và giọng nói của nạn nhân Chris Pelkey.
Để tạo ra phiên bản AI của Chris, gia đình anh, đặc biệt là người em gái Stacey Wales, đã sử dụng các đoạn ghi âm, hình ảnh và video của Chris khi còn sống. Mục đích là để anh có thể "tự mình" đọc bản tuyên bố của nạn nhân (victim impact statement) - điều mà nhiều nạn nhân không bao giờ có cơ hội thực hiện.
Trong video trình chiếu tại tòa, Chris hiện lên với diện mạo thân quen: râu rậm, đội mũ lưỡi trai xám và mặc áo hoodie xanh lá. Với giọng nói mô phỏng sát thực, anh gửi đi thông điệp mang tính tha thứ đến Gabriel Horcasitas - kẻ đã bắn chết anh tại một ngã tư đèn đỏ.
"Gabriel Horcasitas, người đã nổ súng với tôi. Thật đáng tiếc vì chúng ta gặp nhau trong hoàn cảnh đó. Có lẽ ở một cuộc đời khác, chúng ta đã có thể là bạn. Tôi tin vào sự tha thứ và một Đấng tha thứ. Tôi luôn tin và đến giờ vẫn vậy."

Người nhà nạn nhân và hình ảnh thật của Chris Pekley.
Đây được xem là lần đầu tiên AI được sử dụng để thay nạn nhân phát biểu tại tòa án, theo BBC. Thẩm phán Todd Lang, người chủ tọa phiên tòa, tỏ ra xúc động: "Tôi thực sự ấn tượng với đoạn video AI. Dù gia đình nạn nhân hoàn toàn có quyền tức giận, tôi vẫn cảm nhận được sự tha thứ rất chân thành từ đó." Sau phiên xử, Horcasitas bị tuyên án 10,5 năm tù.
Tuy vậy, việc sử dụng công nghệ AI trong môi trường pháp lý đang gây ra nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia lo ngại về tính xác thực, nhất là khi công nghệ có thể được dùng sai mục đích hoặc đi ngược lại ý chí thực sự của nạn nhân. Video dựng bằng AI của nạn nhân trên Youtube nhận về phần lớn là lượt Không thích, đi kèm rất nhiều bình luận phản bác, chê trách việc sử dụng AI vào mục đích này.

"Khi tôi chết, cứ để tôi yên nghỉ, tôi không muốn được "hồi sinh" bằng AI để tha thứ cho người chấm dứt cuộc đời tôi" - sự bất bình của 1 người dùng Youtube.

"Không, tôi không muốn có 1 phiên bản AI của bản thân, bị dùng để "nhét chữ vào miệng" những thứ tôi không bao giờ nói. Làm vậy là xúc phạm người đã khuất".
Trả lời phỏng vấn, Stacey Wales khẳng định họ đã cân nhắc kỹ yếu tố đạo đức: "Chúng tôi tiếp cận công nghệ này với lương tâm. Cũng như một chiếc búa có thể phá cửa hay xây nhà, AI là công cụ, và chúng tôi đã dùng nó để xây nhà."
Không riêng trường hợp này, AI đang bắt đầu len vào hệ thống pháp lý Mỹ. Hồi tháng 3, Tòa án Tối cao bang Arizona đã sử dụng avatar AI để công bố các phán quyết. Trước đó, một bị cáo 74 tuổi tại New York từng gây lùm xùm khi đưa video deepfake vào phần bào chữa khiến thẩm phán hoang mang và phải khiển trách.
Lấy link