Đây là nội dung của Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC (Bộ Tài chính) và Đại học Hiroshima, Hội Chuyên gia Việt Nhật (VJS). Biên bản được trao dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản về các ngành công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn chiều 28/4.
Hai Thủ tướng chứng kiến trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Đại học Hiroshima, Hội chuyên gia Việt Nhật (VJS). Ảnh: VGP/Nhật Bắc Với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, các suất học bổng cho phép các sinh viên Việt Nam tham gia chương trình đào tạo 2 năm tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản) và 2 năm tại Đại học Idaho (Mỹ).
Đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), là chủ đề được quan tâm tại diễn đàn.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Việt Nam có thể cung cấp nguồn nhân lực tài năng, trẻ và đầy khát vọng cho Nhật Bản. Ông đề xuất hai Chính phủ, hai Thủ tướng tiếp tục hỗ trợ cho quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc FPT cũng đã ký một loạt thỏa thuận với các doanh nghiệp Nhật Bản, bao gồm Restar và Nisso, MRIV để hợp tác trong lĩnh vực R&D, chuyển giao công nghệ, đóng gói và kiểm thử bán dẫn; phát triển đội ngũ kỹ sư Việt Nam tham gia các dự án quốc tế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản. Các thỏa thuận góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển 50.000 nhân lực bán dẫn vào năm 2030 của Việt Nam.
Nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng của Việt Nam là một trong những yếu tố được Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đánh giá cao. Trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng bất ổn, Thủ tướng cho rằng hợp tác hơn nữa giữa hai nước để nâng cao trình độ công nghiệp là một cơ hội lớn để tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc.
Thủ tướng Ishiba thông tin thêm, Đại học Việt Nhật chuẩn bị mở chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ chip bán dẫn. Nhật Bản cũng sẽ tiếp nhận khoảng 250 nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ trong lĩnh vực này, tương ứng với một nửa mục tiêu chiến lược quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, tăng cường trao đổi nhân lực thế hệ mới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến.
Theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030: Đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.