Ngày 30/7 (theo giờ Việt Nam), phiên điều trần các tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ được tổ chức nhằm mục đích điều tra về vấn đề chống độc quyền.
Đây là sự kiện hiếm hoi quy tụ cả 4 vị CEO quyền lực là Tim Cook (Apple), Mark Zuckerberg (Facebook), Jeff Bezos (Amazon) và Sundar Pichai (Google).
Mỗi công ty công nghệ xuất hiện tại buổi điều trần với những cáo buộc rất khác nhau, họ cũng thể hiện sự khác biệt trong cách trả lời câu hỏi được chuẩn bị rất kỹ từ Hạ viện. Tuy nhiên, đằng sau các câu trả lời tưởng chừng rất hợp lý, lại là những lời nói dối vụng về.
Người dùng đang tự quản lý dữ liệu của mình
"Chúng tôi tạo ra một giao diện dễ sử dụng để người dùng có thể quản lý dữ liệu của chính mình", CEO Google trả lời về việc họ bán dữ liệu người dùng Google cho một trang quảng cáo có tên DoubleClick.
Ngược lại với suy nghĩ của CEO Google, 81% người Mỹ cho rằng họ có rất ít quyền hoặc không có quyền quản lý dữ liệu của mình, 59% chỉ thoáng hiểu hoặc không hiểu các nền tảng công nghệ sẽ làm gì với dữ liệu của họ, theo khảo sát của Pew Research.
|
CEO Google cho rằng người dùng đang tự quản lý dữ liệu của chính họ. Ảnh: The New York Times.
|
CEO Facebook Mark Zuckerberg từng sử dụng luận điểm "người dùng đang tự quản lý dữ liệu của mình". Trong trong phiên điều trần vào năm 2018, Mark nhắc cụm từ "tự quản lý" ít nhất 45 lần.
Sau đó, khi được hỏi về việc Google có kiếm được nhiều lợi nhuận hơn khi thu thập nhiều dữ liệu người dùng hơn không. CEO Google đã lảng tránh đưa ra câu trả lời trực tiếp.
"Chúng tôi thu thập nhiều dữ liệu người dùng hơn để giúp họ tối ưu hóa trải nghiệm cá nhân hơn", Pichai nói.
Công ty công nghệ không lớn như mọi người nghĩ
Trước cáo buộc về việc độc quyền bán hàng, CEO Jeff Bezos nhanh chóng đưa ra một số liệu rất cụ thể: "Amazon chỉ chiếm ít hơn 1% trong số 25 nghìn tỷ USD trên thị trường bán lẻ toàn cầu và chiếm khoảng 4% doanh thu ngành bán lẻ của cả nước Mỹ".
Hạ viện Mỹ bác bỏ thống kê trên khi chỉ ra Bezos đã liệt kê toàn bộ cửa hàng tạp hóa, thậm chí cửa hàng bán xăng là đối thủ của Amazon, vốn có hoạt động kinh doanh cốt lõi là một trang thương mại điện tử.
Theo đó, Amazon được xác định chiếm 38% trong tất cả giao dịch trực tuyến diễn ra tại nước Mỹ, gấp 9 lần con số Bezos đưa ra, theo số liệu của công ty eMarketer.
Bezos, người đứng đầu một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ, thể hiện sự lấp liếm về khái niệm "kênh bán hàng" và quy mô của tổng thị trường.
|
Ông chủ Amazon xác định tiệm tạp hóa, tiệm bán xăng là đối thủ nhằm khẳng định Amazon chỉ là một công ty rất nhỏ trong thị trường. Ảnh: Public Broadcasting.
|
Tương tự như Bezos, Mark Zuckerberg cho biết tất cả sản phẩm của công ty này là để kết nối mỗi người, Facebook không chỉ là một nền tảng mạng xã hội. Mark cho biết "mạng xã hội của công ty" chỉ là một phần nhỏ, trong khi "người dùng có rất nhiều không gian khác để kết nối với nhau".
Số liệu không như lời Mark nói khi 69% người Mỹ xác nhận chỉ sử dụng một mạng xã hội Facebook. Chưa đề cập tới việc Facebook đang sở hữu Instagram, nền tảng chia sẻ ảnh được sử dụng bởi 37% người trưởng thành tại Mỹ, số liệu từ Pew Research.
"Chúng tôi không kinh doanh độc quyền hoặc chi phối bất kỳ thị trường nào trong doanh mục sản phẩm kinh doanh", Tim Cook nói tại buổi điều trần.
Tim Cook nói đúng, tuy nhiên ông không đề cập về việc hơn 900 triệu chiếc iPhone trên toàn thế giới chỉ có một cách duy nhất là kết nối với App Store để tải và sử dụng những ứng dụng không do Apple phát triển.
Mạng xã hội không thu lợi từ nội dung độc hại
Trong buổi điều trần, ông chủ của Facebook nhiều lần đồng ý với chủ tọa Cicilline rằng mạng xã hội phải có trách nhiệm hạn chế sự lan truyền những nội dung độc hại, có khả năng gây tổn thương cho người khác.
"Chúng tôi tin rằng Facebook không nên lan truyền những nội dung độc hại hay kích động bạo lực. Nền tảng của chúng tôi ưu tiên tạo ra những điều ý nghĩa cho người dùng, không chạy đua theo các lượt tương tác mỗi ngày", Mark nói.
|
Facebook ưu tiên hiển thị những nội dung có ý nghĩa cho người dùngg, nhưng những bài đăng thù địch lại luôn đạt được lượng tương tác khủng. Ảnh: Chụp màn hình.
|
Sau đó, chủ tọa Cicilline đưa ra danh sách những bài đăng sai sự thật, những video kích động bạo lực lại xuất hiện trong top nội dung có lượng like và tương tác nhiều nhất Facebook trong năm 2020.
Ví dụ như trong tuần này, một video cung cấp thông tin không đúng về cách chữa trị Covid-19 đã đạt hơn 20 triệu lượt xem trước khi Facebook gỡ nó xuống.
"Cốt lõi kinh doanh của nền tảng Facebook là tăng tối đa tương tác của người dùng trên nền tảng, càng nhiều tương tác thì Facebook có thể bán được nhiều quảng cáo hơn", ông Cicilline nói.
Facebook cho rằng việc công ty sở hữu cả 2 nền tảng khác là Instagram và WhatsApp giúp họ có nguồn dữ liệu lớn hơn để nhanh chóng phát hiện những nội dung độc hại, ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm của người dùng.
Tuy nhiên, sự lớn mạnh này cũng có điểm giới hạn, khi những việc Facebook đang làm không có một thước đo cụ thể, không có một mô hình nào đủ lớn để đối chiếu rằng công ty này đang làm đúng hay sai.
(Theo Zing)