Việt Nam vẫn nên duy trì thông lệ đa phương trong đầu tư cáp quang biển quốc tế

Chia sẻ quan điểm về đầu tư các tuyến cáp biển mới để mở rộng dung lượng kết nối quốc tế, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, vẫn nên duy trì thông lệ đầu tư, vận hành đa phương bởi liên minh nhiều nhà mạng quốc tế.


Trong thời gian qua, các tuyến cáp quang biển quốc tế mà các nhà mạng Việt Nam sử dụng vẫn liên tục gặp sự cố, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ Internet quốc tế cung cấp tới người dân.


Cụ thể, chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 3/5 tuyến cáp quang biển quốc tế chiếm tỷ lệ lớn dung lượng kết nối đi quốc tế của Việt Nam là AAG, APG và IA (còn gọi là Liên Á) đã và đang gặp sự cố. Trong đó, tuyến cáp IA gặp sự cố vào ngày 18/2 và được sửa xong vào ngày 27/2. Với AAG, lần lượt vào trung tuần tháng 2 và cuối tháng 6, tuyến cáp biển này gặp 4 lỗi trên 2 hướng cáp kết nối đi HongKong (Trung Quốc), Singapore và hiện vẫn chưa có lịch xử lý các lỗi. Cũng như AAG, tuyến APG đã 2 lần gặp sự cố trong năm nay và đang bị gián đoạn dịch vụ.


Trước đó, tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam năm 2021, đại diện một nhà mạng đã đưa ra số liệu thống kê rằng, trong 5 năm gần đây, các tuyến cáp quang biển Việt Nam ra khu vực bị đứt trung bình 10 lần mỗi năm, mỗi lần trục trặc kéo dài 1 tháng. Do vậy, các doanh nghiệp chỉ sử dụng được khoảng 3/4 các tuyến cáp.


'Việt Nam vẫn nên duy trì thông lệ đa phương trong đầu tư cáp quang biển quốc tế'
Hiện Việt Nam có tổng cộng 7 tuyến cáp quang biển, trong đó 5 tuyến đang hoạt động và 2 tuyến dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong 1 - 2 năm tới (Ảnh minh họa: Internet)

Mặt khác, theo các chuyên gia, hiện Việt Nam có tổng cộng 7 tuyến cáp quang biển, trong đó 5 tuyến đang hoạt động và 2 tuyến dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong 1 - 2 năm tới. Số lượng các tuyến cáp biển Việt Nam đang khai thác ít hơn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (10 tuyến), Malaysia (22 tuyến) hay Singapore (30 tuyến), khiến cho mức độ đảm bảo về hạ tầng quốc tế phục vụ Internet cho người dùng Việt Nam còn thấp. 


Cũng vì thế, cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà mạng tại Việt Nam đều nhận thức rõ, để phát triển Internet Việt Nam, song song với việc mở rộng kết nối Internet trong nước, cần thiết phải tiếp tục mở rộng kết nối Internet ra khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, dưới vai trò dẫn dắt của Bộ TT&TT, các nhà mạng Việt Nam có thể “chung tay” đầu tư 1 tuyến cáp quang biển, góp phần giúp Việt Nam chủ động hơn trong kết nối quốc tế.


'Việt Nam vẫn nên duy trì thông lệ đa phương trong đầu tư cáp quang biển quốc tế'
 Ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc NetNam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam.

Trao đổi với TinCongNghe, ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc NetNam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho hay: Chúng ta cùng nhận thấy sự phụ thuộc của Internet Việt Nam vào các tuyến cáp quang biển kết nối quốc tế, cũng như đã quen với các tình huống sự cố xảy ra với các tuyến cáp quang này. Các nhà mạng đều đã có sẵn các kịch bản sẵn để ứng phó với tình trạng cáp biển gặp sự cố nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cho người dùng.


“Tuy nhiên, về lâu dài, các giải pháp như mở rộng - bổ sung thêm các kết nối quốc tế, tăng cường nội dung nội địa, tăng cường đưa nội dung về gần với người dùng nội địa ... là các định hướng mà chắc chắn các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà mạng sẽ theo đuổi”, ông Vũ Thế Bình bình luận.


Theo ông Bình, vấn đề đầu tư các tuyến cáp quang biển mới như thế nào phụ thuộc việc xác định mục đích lâu dài của Việt Nam, là một điểm kết nối đến các hub chính khu vực, hay là có định hướng trở thành một điểm hub mới trong khu vực.


Ở góc nhìn của VIA, ông Bình nêu quan điểm: Việt Nam có thể cân nhắc hình thành điểm trung chuyển lưu lượng Internet trong khu vực, có tính chất bổ sung hoặc dự phòng cho các điểm trung chuyển lưu lượng chính hiện nay như HongKong - Trung Quốc, Singapore.


Nhận định đây là một vấn đề lớn, đại diện VIA cho rằng vấn đề này nên được quan tâm ở phương diện chiến lược viễn thông - Internet quốc gia: “Một vài, thậm chí nhiều doanh nghiệp cùng chia sẻ mục đích và cùng quan tâm cũng chưa đủ, do liên quan đến nhiều yếu tố chính trị - kinh tế - xã hội. Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới, Chính phủ, Bộ quản lý lĩnh vực viễn thông, Internet sẽ quan tâm hơn đến chủ đề này, chắc chắn các doanh nghiệp trong ngành cũng như hội viên của VIA đều quan tâm”.


Với vai trò là người đứng đầu NetNam, ông Vũ Thế Bình cũng chia sẻ thêm: “Tùy theo quy mô và mục đích, NetNam có thể cân nhắc đến việc tham gia cùng các nhà mạng trong nước đầu tư và vận hành tuyến cáp biển mới”.


Bàn thêm về việc lựa chọn phương thức đầu tư các tuyến cáp biển mới, vị Tổng thư ký VIA cho rằng: Theo thông lệ, các tuyến cáp biển quốc tế thường được đầu tư bởi các liên minh nhiều nhà mạng quốc tế, từ các nước khác nhau. Và thông lệ này vẫn nên được tiếp tục duy trì.


“Các nhà mạng Việt Nam có thể chủ động hơn, đóng vai trò lớn hơn trong đầu tư và vận hành các tuyến cáp biển mới, nhưng đã là kết nối quốc tế thì chắc chắn cần sự liên minh, liên kết giữa các nước, các nhà mạng quốc tế”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.


Vân Anh









'Viet Nam van nen duy tri thong le da phuong trong dau tu cap quang bien quoc te'


Chia se quan diem ve dau tu cac tuyen cap bien moi de mo rong dung luong ket noi quoc te, dai dien Hiep hoi Internet Viet Nam cho rang, van nen duy tri thong le dau tu, van hanh da phuong boi lien minh nhieu nha mang quoc te.

'Việt Nam vẫn nên duy trì thông lệ đa phương trong đầu tư cáp quang biển quốc tế'

Chia sẻ quan điểm về đầu tư các tuyến cáp biển mới để mở rộng dung lượng kết nối quốc tế, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, vẫn nên duy trì thông lệ đầu tư, vận hành đa phương bởi liên minh nhiều nhà mạng quốc tế.
Việt Nam vẫn nên duy trì thông lệ đa phương trong đầu tư cáp quang biển quốc tế
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: