Huawei thông báo doanh thu tăng 13,1% trong 6 tháng đầu năm, đạt 454 tỷ NDT (64,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tốc độ tăng chậm hơn hẳn do lệnh cấm vận của Mỹ và dịch bệnh Covid-19. Biên lợi nhuận ròng là 9,2%, tăng từ 8,7% của một năm trước.
Năm 2019, Huawei bị thêm vào danh sách đen của Mỹ, cấm tiếp cận công nghệ Mỹ. Điều đó đồng nghĩa công ty không thể sử dụng Google Android trên thiết bị, dẫn tới tổn thất lớn trên thị trường quốc tế. Tháng 5, Washington tiếp tục công bố lệnh trừng phạt mới, yêu cầu nhà sản xuất chip sử dụng thiết bị xuất xứ Mỹ phải xin giấy phép trước khi bán chíp bán dẫn cho Huawei. Không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ cấp giấy phép này.
Trước đó, Huawei từng nói việc kinh doanh chắc chắn bị ảnh hưởng nhưng không đưa ra con số chính xác. Các chuyên gia nhận định động thái sẽ là đòn đau đối với công ty Trung Quốc vì hãng lệ thuộc vào nhà sản xuất Đài Loan TSMC cho phần lớn bán dẫn. Quy định khiến họ không thể mua chip từ TSMC.
Trong lúc này, Huawei còn vấp phải nhiều cơn gió chướng khác. Theo truyền thông, vào ngày 14/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) để bàn về tương lai của Huawei tại xứ sương mù. Tháng 1, Anh cho phép Huawei tham gia xây mạng 5G với vai trò hạn chế. Tuy nhiên, Trung tâm An ninh mạng quốc gia (NCSC) tiến hành điều tra khẩn cấp vai trò của Huawei không lâu sau đòn trừng phạt mới nhất của Mỹ.
Đầu tháng này, hai tờ The Sunday Times và The Daily Telegraph đưa tin Anh đang lên kế hoạch yêu cầu nhà mạng ngừng mua thiết bị Huawei và dần loại bỏ thiết bị có sẵn ra khỏi mạng viễn thông. NSC sẽ xem xét báo cáo của NCSC vào hôm nay và Oliver Dowden, Bộ trưởng Thể thao, Truyền thông và Kỹ thuật số dự kiến giải trình về vấn đề này trước Quốc hội.
Nhà mạng Anh cảnh báo sẽ mất hàng tỷ USD nếu loại thiết bị Huawei và khả năng dẫn tới gián đoạn mạng. Tại Anh, BT, Vodafone, Three là khách hàng của Huawei.
Du Lam (Theo CNBC)