5 giờ sáng bên ngoài Trung tâm Phòng cháy Chữa cháy Carlton Complex Washington, bầu trời phía sau khung cửa sổ vẫn còn tối ngoại trừ những đốm lửa nhỏ bền bỉ cháy trên sườn núi phía xa.
Bre Orcasitas - lính cứu hỏa trong đội chống cháy rừng cùng 5 đồng nghiệp của mình bắt đầu lên đồ cho nhiệm vụ. Họ xỏ quần, mặc áo, khoác thêm một lớp áo chống cháy hạng nặng rồi đến chiếc mũ bảo hiểm. Orcasitas lật chân vào đôi ủng, nó nặng tới 2 kg.
Ba lô của lính cứu hỏa chữa cháy rừng lúc nào cũng chật ních đồ. Mỗi người đều phải mang theo 6 lít nước, thức ăn cho ca làm việc dài 16 tiếng và rất nhiều trang thiết bị an toàn. Tổng cộng, mỗi lính cứu hỏa như Orcasitas sẽ phải đeo trên lưng 30 kg, chưa kể đôi khi còn có thêm một chiếc cưa máy 12 kg nữa.
Nhiệm vụ lần này có phần đặc biệt. Ngoài việc đương đầu với ngọn lửa trước mặt, Orcasitas và các đồng nghiệp của cô còn tham gia vào một nghiên cứu theo dõi những gì xảy ra bên trong cơ thể mình. Mỗi người trong số họ đều được đeo thêm một dây nịt ngực có gắn nhiều cảm biến tiên tiến có thể ghi lại nhịp tim, quãng đường di chuyển, cao độ của họ với mực nước biển thậm chí cả nồng độ khí CO xung quanh và nhiệt độ trên da.
Bên cạnh đó, trước khi rời khỏi trạm, mỗi người lính cứu hỏa đều phải nuốt vào bụng mình một thiết bị đo nhiệt độ lõi cơ thể. Nó có thể tiết lộ các nội tạng bên trong họ có đang nóng lên hay không, sóng tín hiệu sẽ được gửi xuyên qua cơ thể ra bên ngoài mỗi 15 giây thông qua Bluetooth.
Để đối chiếu với các dữ liệu từ cảm biến, Orcasitas và hai đồng nghiệp của cô sẽ ghi lại từng hoạt động của đội mình, khi nào, lúc mấy giờ đến mấy giờ thì những người lính chặt cây, đào hố hoặc đốt thực vật để ngăn những đám cháy lan.
Tất cả những hoạt động này nằm trong khuôn khổ của nghiên cứu đánh giá mức độ phơi nhiễm nhiệt trên những người lính cứu hỏa — một cuộc nghiên cứu lớn nhất từng được thực hiện. Từ năm 2013 đến năm 2016, đã có hơn 300 lính cứu hỏa ở Mỹ tham gia và kết quả từ nghiên cứu này sẽ tiết lộ cho chúng ta biết:
Điều gì có thể xảy ra nếu một ngày, Trái Đất nóng đến nỗi con người phải mặc quần áo như lính cứu hỏa để ra đường?
Thân nhiệt tăng cao là điều không thể tránh khỏi trong một thế giới đang nóng lên, cũng như bên trong một đám cháy. Nghiên cứu trong mùa hỏa hoạn năm 2013 ở Mỹ thống kê tổng cộng 50 trường hợp bị tổn thương do tiếp xúc với nhiệt. Nhưng điều gì đã thực sự gây ra những tổn thương ấy?
Khác với cách mà mọi người thường nghĩ, bản thân ngọn lửa không phải là vấn đề với lính cứu hỏa. Thứ khiến khiến họ dễ gục ngã nhất chính là thân nhiệt tạo ra trong quá trình làm nhiệm vụ - đòi hỏi vận động thể chất rất cực nhọc.
Orcasitas và các đồng nghiệp của mình đã rất ngạc nhiên khi đọc được kết luận này. "Giả định trong cộng đồng cứu hỏa rằng nếu có ai đó quỵ xuống, đó chỉ là vì họ đã không uống đủ nước", cô nói. Nhưng nghiên cứu được thực hiện bởi Sở Lâm nghiệp Hoa Kỳ lại cho thấy một thực tế khác.
"Bạn không thể chỉ uống nước để cứu mình ra khỏi các chấn thương do nhiệt. Nước không phải một viên đạn ma thuật như nhiều người nghĩ", Joseph Domitrovich, nhà sinh lý học làm việc tại Chương trình Phát triển và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ cho biết.
Công việc của ông cùng các nhà khoa học khác trên toàn thế giới nhắm đến việc xác định sự ảnh hưởng của nhiệt độ ngày một gia tăng lên những người lao động chân tay ngoài trời và những người dễ bị tổn thương bởi nhiệt như người già.
Domitrovich đang tập trung vào các biện pháp công nghệ thấp - đôi khi chỉ đơn giản là dội một gáo nước lạnh vào da - để giúp bất kỳ ai đều cảm thấy thoải mái và an toàn hơn khi đương đầu với nắng nóng.
Và họ cũng đang khám phá khả năng thích ứng với nhiệt của cơ thể để biết: Trong một thế giới ngày một nóng lên, liệu cơ thể chúng ta có thích ứng được với điều đó? Nếu có thì chúng ta sẽ làm điều đó như thế nào?
***
Từ năm 1999 đến năm 2010, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã ghi nhận 8.081 trường hợp tử vong do nắng nóng ở Hoa Kỳ, một phần ba trong số đó xảy ra với những người già từ 65 tuổi trở lên.
Nathan Bradley Morris, nhà sinh lý học về thân nhiệt con người tại Đại học Copenhagen cho biết, trên thế giới cứ 10 người thì có trên 3 người đang phải trải qua các điều kiện tạo ra tình trạng căng thẳng nhiệt.
Những đối tượng có nguy cơ cao là công nhân xây dựng và nông dân. Trên bề mặt một quả cầu đang nóng lên, họ có nguy cơ tử vong vì nắng nóng gấp lần lượt 13 lần và 35 lần so với những công nhân khác. Những người nông dân làm việc trực tiếp ngoài đồng ruộng ở Mỹ trung bình đang phải đối mặt với 21 ngày mùa hè, trong đó, độ ẩm và nhiệt độ đều vượt quá các giới hạn an toàn cho sức khỏe.
Rủi ro thậm chí ngày càng lớn. Một báo cáo trên tạp chí Environmental Research Letters của June Spector, bác sĩ kiêm nhà khoa học về sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tại Đại học Washington, cho biết đến năm 2050, con số sẽ tăng gấp đôi lên 42 ngày và gấp 3 vào năm 2100.
Điều đó có nghĩa là hai phần ba số ngày hè năm 2100 ở Mỹ sẽ nóng như đỏ lửa.
Và nó rõ ràng không chỉ diễn ra ở Mỹ cũng như không chỉ trên những cánh đồng. Lisa Leon, một nhà sinh lý học nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Y học Môi trường của Quân đội Hoa Kỳ cho biết ngày càng có nhiều bộ phận dân số thế giới di chuyển đến các thành phố, nơi có xu hướng nóng hơn vùng nông thôn.
Trong đợt nắng nóng kỷ lục ở Paris năm 2003, khoảng 12.000 người đã chết chỉ trong vòng 1 tuần. Christopher Gordon, một nhà sinh lý học đã nghỉ hưu tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường cho biết ngay cả những người không làm việc dưới môi trường có nhiệt độ cao cũng dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người lớn tuổi, thừa cân, người mắc bệnh tim không đủ khỏe để chống chọi với căng thẳng tâm sinh lý.
Trong bối cảnh đó, phần lớn dân số toàn cầu đang già đi và ngày một béo lên. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế, phơi nhiễm nhiệt sẽ đe dọa sức khỏe của khoảng 4 tỷ người vào năm 2100.
Báo cáo này dự đoán nhiệt độ tăng sẽ làm giảm 2,2% số giờ làm việc hiệu quả của toàn thế giới, dẫn đến một thiệt hại kinh tế tương đương 2,4 nghìn tỷ USD. Các nước phải hứng chịu nắng nóng nhiều nhất tập trung ở Nam Á và Tây Phi. Và đó là một "sự bất bình đẳng mới cho những người phải tiếp xúc nhiều với nhiệt", Spector nói.
Các nhà sinh lý học đã nghiên cứu cách cơ thể con người phản ứng với căng thẳng nhiệt trong suốt nhiều thế kỷ. Điều khiến họ quan tâm là khả năng đặc biệt của cơ thể trong việc giữ nhiệt độ lõi bên trong mình ổn định ở 37°C, ngay cả khi không khí bên ngoài nóng hơn nhiều con số đó.
Bí quyết nằm ở những dây thần kinh cảm giác trên da chúng ta, những cảm biến sinh học có thể đo được nhiệt độ môi trường. Và cả những cảm biến tương tự bên trong cơ thể, những dây thần kinh giám sát chặt chẽ sự nóng lên của chính bản thân bạn.
Một sự thật là hoạt động thể chất cường độ cao có thể biến cơ thể thành một cái lò, làm tăng sản lượng nhiệt lên gấp 15 lần. Nhưng cho dù nguồn là môi trường hay từ bên trong, nếu nhiệt không được tản ra, nó có thể đặt bạn vào căng thẳng và cuối cùng khiến cơ thể ngừng hoạt động.
Đây là nơi mà các cơ chế làm mát của cơ thể tham gia vào. Khi các cảm biến bên trong báo cho não biết cơ thể bạn đang ấm lên, vùng dưới đồi sẽ gửi tín hiệu làm giãn các mạch máu sát bên ngoài da, khiến máu lưu thông nhiều hơn để trao đổi nhiệt với môi trường ngoài - miễn là không khí bên ngoài đang mát hơn cơ thể thì bạn sẽ hạ được nhiệt.
Nhưng nếu không khí ngoài trời nóng hơn, hoặc nếu nhiệt tỏa qua da vào không khí không đủ để làm mát, các tuyến mồ hôi sẽ hoạt động. Một phần khác của não gọi là hành tủy (medulla oblongata) sẽ chỉ đạo cho tim tăng nhịp đập. Chất lỏng trong cơ thể được chuyển hướng, lái máu đến da và giúp lấp đầy các tuyến mồ hôi.
Khi vận động, mỗi người chúng ta có thể dễ dàng tiết tới 2 lít mồ hôi mỗi giờ. Mồ hôi đọng trên da, hấp thụ nhiệt, sau đó bay hơi và mang nhiệt thoát khỏi cơ thể bạn.
Không phải da đầu như mọi người vẫn nghĩ, bàn tay mới là nơi tập trung nhiều tuyến mồ hôi nhất, cũng là nơi mà mật độ nhiệt thoát ra nhiều nhất. Dội nước lên đầu chắc chắn cũng kém hiệu quả hơn lên người, bởi diện tích thân người với bề mặt lớn nhất cũng mới chính là tấm tản nhiệt hiệu quả nhất của cơ thể.
Vấn đề với việc làm mát bằng mồ hôi, đó là nó sẽ khiến cơ thể bạn bị mất nước. Quá trình mất nước kích hoạt việc giải phóng các hormone làm tăng cảm giác khát, đồng thời kìm chế thận sản xuất nước tiểu. Điều này nhằm bảo tồn lượng nước còn lại trong hệ thống tuần hoàn, khiến máu bạn không quá đặc để tim vẫn có thể bơm nó đi khắp cơ thế dưới một mức huyết áp an toàn.
Nếu không được bổ sung nước, mất nước sẽ làm tăng thêm căng thẳng do nhiệt và có thể dẫn đến những chấn thương nghiêm trọng. Nhưng theo Domitrovich, mặc dù giữ cơ thể ngậm nước là điều kiện cần để bảo vệ bản thận bạn, nó không phải là điều kiện đủ. Nếu muốn giữ cho thân nhiệt không tăng lên quá cao khi nhiệt độ bên trong hoặc bên ngoài quá lớn, bạn không thể chỉ uống nước.
Đến một ngưỡng nào đó, ngay cả nước cũng không thể làm nguội cơ thể bạn, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ kiệt sức vì nóng. Cơ thể bạn lúc này sẽ cố gắng ra những tín hiệu ép bạn dừng lại hoặc thoát ra khỏi môi trường nóng bức. Đó chính là những cơn chuột rút, mệt mỏi, cảm giác đau đầu, buồn nôn hoặc chóng mặt. Nhưng nếu vì lý do nào đó bạn không đến được môi trường mát mẻ hơn, hoặc vẫn tiếp tục ép mình vận động, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong.
Khi thân nhiệt của chúng ta đạt tới 38,5°C, hầu hết mọi người sẽ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng tiếp tục tăng tiến khi thân nhiệt leo thang, vượt ra ngoài phạm vi hoạt động an toàn của các cơ quan quan trọng như tim, não và thận.
Chạm đến mức 40°C, ngoại trừ một số vận động viên ưu tú, chẳng hạn như những người tham gia giải đua Tour de France có thể chịu đựng nó trong một khoảng thời gian giới hạn, cơ thể của hầu hết mọi người bình thường khác sẽ bắt đầu dừng hoạt động.
Mồ hôi của chúng ta sẽ ngừng tiết ra khi thân nhiệt lên đến mức 42°C. Quá trình làm mát bằng nước bị ngừng lại sau đó sẽ đẩy nhiệt độ lõi cơ thể lên cao hơn nữa. Tới 44oC, não bộ lúc này sẽ phải chùn bước. Nó có thể đưa bạn vào tramgj thái lú lẫn, kích động, khiến bạn không kiểm soát được lời nói của mình và rơi vào hôn mê.
Mất nước tới mức này đã khiến máu của bạn trở nên đặc và lưu lượng của nó giảm xuống. Cơ thể sẽ ưu tiên máu cho các bộ phận quan trọng và bỏ qua các cơ quan ít quan trọng hơn như thận hoặc ruột. Không có máu lưu thông, ruột của bạn có thể bị thủng và rò rỉ, tạo ra những khu vực viêm lan tỏa.
Các mạch máu có thể bị tổn thương và máu có thể đông lại. Các tế bào thậm chí có thể tan rã khi protein của chúng bị phá vỡ. Thận của bạn sẽ không còn lọc được máu nữa, chất thải tế bào sẽ nhanh chóng tích tụ lại và đầu độc cơ thể. Tất cả các nội tạng của bạn lúc này giống như một dãy domino đổ sập xuống, bạn sẽ chết.
Douglas Casa, một nhà sinh lý học thể dục tại Đại học Connecticut (UConn), Storrs cho biết: "Đột quỵ do nhiệt là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho các vận động viên, binh lính đang tập luyện và người lao động".
Đó chính xác là những gì đã xảy ra với Korey Stringer, một cầu thủ bóng bầu dục chơi cho đội Minnesota Vikings tại giải Bóng đá Quốc gia Mỹ. Trong một ngày huấn luyện mùa xuân năm 2001, Stringer đột nhiên ngất ra sân cỏ vì sốc nhiệt. Không được điều trị tích cực, cầu thủ 27 tuổi đã tử vong ngay trong ngày hôm sau.
Là một vận động viên chuyên nghiệp, Stringer chắc chắn có một cơ thể hoàn hảo – nhưng anh ấy vẫn không đủ sức khỏe để trải qua đợt tập luyện vất vả đầu mùa giải. Lẽ ra Stringer nên dừng lại ngay khi cơ thể có dấu hiệu kiệt sức. Nhưng Leon cho biết ý chí cố gắng của anh ấy có thể đã ghi đè lên các tín hiệu chỉ đạo dừng lại của não bộ, đẩy cơ thể vượt ngưỡng giới hạn và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
***
Để phòng tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra, Gatorade và Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ đã thành lập Viện Korey Stringer tại UConn vào năm 2010, tập trung vào nỗ lực nghiên cứu và tư vấn cách phòng tránh sốc nhiệt cho các vận động viên cũng như binh lính Mỹ.
Với tư cách là Giám đốc điều hành của viện, Casa đã làm việc với nhiều vận động viên và quân đội Hoa Kỳ để bảo đảm các tân binh của họ giữ được quyết tâm khi tập luyện, nhưng đồng thời cũng biết điểm dừng của mình để không rơi vào trường hợp như Stringer.
Phần lớn các huấn luyện viên quân sự và thể thao đều được tập huấn tốt cho tình huống sốc nhiệt, "nhưng tôi không nghĩ họ biết làm cách nào để ngăn được nó xảy ra ngay từ đầu", Casa nói.
Tại Viện Korey Stringer, nhiệm vụ của Casa là thực hiện các nghiên cứu để tìm ra câu trả lời bên trong một căn phòng đặc biệt. Căn phòng có một thiết bị gia nhiệt công suất cao có thể giả lập môi trường bên trong nó thành một sa mạc nóng bức và khô khốc.
Casa đang làm thí nghiệm với các tình nguyện viên mang ba lô, súng trường với đầy đủ quân tư trang vận động trong căn phòng này. Ông đo thân nhiệt cũng như cách cơ thể họ đối phó với căng thẳng nhiệt.
Một số biện pháp bảo vệ tình nguyện viên khỏi sốc nhiệt đã được thử nghiệm tại đây, bao gồm thay thế chất liệu quần áo họ mặc bằng các loại vải mới, thiết lập các quy trình an toàn mới cũng như sử dụng các cảm biến đeo được có khả năng phát hiện và báo động mức thân nhiệt cao.
Năm 2019, Viện Korey Stringer đã làm thí nghiệm với một số tình nguyện viên. Trong thí nghiệm đó, họ được yêu cầu đi bộ trên máy chạy ở nhiệt độ 35°C và không khí khô có độ ẩm chỉ 30%. Các nhà nghiên cứu ước tính lượng mồ hôi mà các tình nguyện viên đã đổ ra, sau đó họ cho các tình nguyện viên này uống một lượng nước chỉ bằng 25% lượng mồ hôi họ bị mất.
Các tình nguyện viên sau đó được hỏi họ có còn thấy khát không, nhưng đa số đều nói rằng mình không còn khát khi được uống nước. Casa nhấn mạnh hiệu ứng này trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrients vào cuối tháng 11 năm 2019, rằng cơn khát đã được dập tắt trước khi các tình nguyện viên bù đủ nước.
Ông cảnh báo: "Không khát không có nghĩa là bạn không bị mất nước". Vì vậy, các vận động viên ưu tú và những người tập luyện trong điều kiện nắng nóng nên tính toán tỷ lệ toát mồ hôi và điều chỉnh lượng nước uống vào theo đó, chứ không nên tự tin vào cảm giác của mình.
Tại Viện Korey Stringer, Casa cũng đã thử nghiệm một chiến lược cấp cứu dành cho những vận động viên chạy bộ bị sốc nhiệt do gắng sức. Trong nhiều thập kỷ nhóm của ông đã cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho một cuộc đua dài 12 km trên Cape Cod vào tháng Tám.
Cuộc đua đủ ngắn để người chạy giữ tốc độ cao trong cả quãng đường nhưng cũng đủ dài để cơ thể họ trở nên quá nóng. Trong so sánh với các cuộc đua marathon, nơi chỉ có 1/10.000 vận động viên gặp triệu chứng sốc nhiệt, con số ở Cape Cod lên tới 1/650.
Mỗi năm vào tháng 8, nhóm của Case đều phải điều trị cho khoảng 45 nạn nhân sốc nhiệt bằng cách ngâm họ trong nước lạnh. Case cho biết rằng nếu có thể hạ thân nhiệt của những người này xuống dưới 40oC trong vòng 30 phút, họ sẽ có thể phục hồi hoàn toàn.
Nigel Taylor, một nhà sinh lý nhiệt học đã nghỉ hưu tại Đại học Wollongong, cho biết: Tốt hơn hết là tránh sốc nhiệt xảy ra ngay từ đầu. Để làm được điều đó, theo quan điểm của Taylor chúng ta phải nói không với điều hòa nhiệt độ, thứ mà ông gọi là phát minh đang "ngăn cản con người thích nghi với khí hậu".
Khả năng chịu nhiệt ở mỗi người khác nhau, không chỉ do tuổi tác, sức khỏe mà còn do yếu tố di truyền. Một nghiên cứu trên 42.000 thợ mỏ bản địa ở Nam Phi khi họ lần đầu tiên được cử xuống làm việc trong mỏ nóng cho thấy: Có khoảng 15% những người không thể đối phó với nhiệt độ cao, trong khi 25% làm điều đó rất tốt.
Nhưng vấn đề mà Taylor và một số nhà khoa học khác phát hiện ra là cơ thể chúng ta có thể thích nghi với nhiệt độ bằng cách luyện tập. Luyện tập - chẳng hạn như tiếp xúc với nhiệt độ cao từ bên ngoài hay tập thể dục ở cường độ cao để tự thúc đẩy thân nhiệt - có thể tăng khả năng chống chịu của con người.
Bằng cách luyện tập, các vận động viên hoặc người lao động có thể làm việc chăm chỉ hơn và lâu hơn dưới điều kiện nắng nóng, các cơ chế sinh lý của cơ thể họ sẽ được điều chỉnh để làm quen và giảm khả năng bị tổn thương hơn bởi căng thẳng nhiệt.
Taylor và các đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu quá trình thích nghi này một cách rất chi tiết. Họ nhận thấy rằng nếu ai đó dành 2 giờ mỗi ngày trong vòng 1 tuần để làm việc ngoài trời nóng bức, cơ thể của họ sẽ bắt đầu thích nghi. Thân nhiệt trong lõi sâu cơ thể của những người này giảm xuống. Cơ thể họ đổ mồ hôi ở nhiệt độ thấp hơn và tim đập nhẹ nhàng hơn khi gặp căng thẳng nhiệt.
Daniel Gagnon, nhà sinh lý học con người tại Đại học Montreal cho biết: "Cơ thể có khả năng thích nghi thực sự tốt. "Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục lắp điều hòa nhiệt độ trong quá trình đó, bạn sẽ trì hoãn việc thích nghi" đó của cơ thể, Elizabeth Repasky, nhà miễn dịch học tại Trung tâm Ung thư Toàn diện Roswell Park cho biết thêm.
Câu hỏi đặt ra là: Nếu không lắp điều hòa trong mùa hè, bạn có thể hạ nhiệt bằng cách nào? Ollie Jay, một nhà sinh lý nhiệt học tại Đại học Sydney gợi ý quạt là một lựa chọn hiệu quả với chi phí môi trường và tài chính thấp hơn.
Trong một thí nghiệm của mình, Jay đã đưa những đứa trẻ 10 tuổi, những người mắc bệnh tim, thậm chí cả phụ nữ mang thai vào một buồng sưởi và thử quạt cho họ. Kết quả cho thấy quạt điện thông thường có thể thay thế cho điều hòa mà không ngăn cản sự thích nghi của cơ thể với nắng nóng.
Jay và nhóm của ông đã báo cáo kết quả nghiên cứu này vào tháng 11 năm 2019 trong Biên niên sử về nội khoa Annals of Internal Medicine cho biết quạt có thể hoạt động hiệu quả ở nhiệt độ lên đến 40°C, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu ẩm, nơi gió giúp bay hơi mồ hôi bám trên da.
Một nghiên cứu khác được Jay và đồng nghiệp thực hiện tại Việt Nam và công bố trên tạp chí Energy and Buildings cho biết: Trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời là 30oC, độ ẩm 70%, quạt có thể có tác dụng tương đương với điều hòa chạy ở 23oC.
Đối với những người làm việc ngoài trời, có một vài cách khắc phục đơn giản. Chẳng hạn như nghiên cứu của Jay chỉ ra ngay cả một biện pháp cổ điển như dội nước lạnh lên da cũng có tác dụng tốt. Di chuyển đến bóng râm cũng là một cách làm có hiệu quả, mặc dù không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Tại một vùng nông thôn của Indonesia, Spector, Yuta Masuda và Nicholas Wolff thuộc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên, và các đồng nghiệp đã phân công ngẫu nhiên 363 lao động làm việc trong một khu rừng hoặc khu vực bị chặt phá gần đó. (Một thực tế là phá rừng có thể làm tăng nhiệt độ tại một địa phương lên tới 8°C).
Trong điều kiện nắng nóng và ẩm ướt, các công nhân đeo máy đo nhịp tim và được kiểm tra nhiệt độ trong miệng thường xuyên để tính nhiệt độ lõi cơ thể. Điều mà Spector và các đồng nghiệp tìm thấy là thân nhiệt của tất cả mọi người đều đã tăng lên trên mức 38,5°C. Nhưng trong ca làm việc kéo dài 90 phút những người làm việc ngoài khu vực trống trải đã phải chịu đựng mức thân nhiệt cao nhiều hơn 3 phút đồng hồ so với những người trong bóng cây.
Báo cáo trên tạp chí Environmental Research Letters, các tác giả nghiên cứu lưu ý sự khác biệt này thoạt nhìn có vẻ nhỏ, nhưng nếu tính trong suốt một ngày làm việc, nhiệt độ cơ thể của những người làm việc ngoài vùng bóng râm có thể sẽ tiếp tục tăng cao, đặt họ vào nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nhiệt.
Trong một nghiên cứu khác, Spector và các đồng nghiệp của cô cũng cho thấy những người nông dân và công nhân làm việc trong các khu vực mà nạn chặt phá rừng xảy ra đạt điểm kém hơn trong các bài kiểm tra nhận thức và trí nhớ, có lẽ vì họ thường xuyên bị mất nước hoặc khó chịu trong người.
***
Trở lại với đội lính cứu hỏa ở Washington, họ cũng đang phải làm nhiệm vụ trong một môi trường tiếp xúc với nhiệt độ cao. Thế nhưng, cái nóng của ngọn lửa lại không phải là thứ nguy hiểm nhất. William Knudsen, một lính cứu hỏa tại Rừng Quốc gia Helena-Lewis and Clark cho biết: "Sức nóng từ ngọn lửa hầu như không bao giờ ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể của chúng tôi".
Mất nước cũng không phải là rủi ro lớn nhất. Trong một nghiên cứu, Orcasitas nhận thấy một người lính cứu hỏa mới uống nước và cảm thấy sảng khoái, nhưng lại có nhiệt độ lõi cơ thể cao hơn một đồng nghiệp khác không uống nước và đang bị mất nước nhiều hơn.
Knudsen trước đây cũng đã từng tận mắt chứng kiến những rắc rối phát sinh ngay cả trong điều kiện thời tiết ôn đới. Nhóm của anh đã ghi lại nhiệt độ cơ thể cao nhất của họ trên một địa điểm có độ cao và nhiệt độ không khí chỉ khoảng 21°C.
Domitrovich cho biết: "Sự sản sinh nhiệt bên trong mới là điều quan trọng nhất". Túi to, quần áo dày và việc phải di chuyển nhanh khiến nhiệt độ cơ thể tăng đột biến. "Và khi bạn đã càng mệt, bạn sẽ lại càng sinh ra nhiều nhiệt hơn", Orcasitas nói.
Vì vậy, trong các nhiệm vụ của đội cứu hỏa mà Knudsen phụ trách, bây giờ anh ấy luôn chú ý đến cân nặng của hành trang, tốc độ di chuyển của cả đội và cứ sau mỗi 8 phút đi bộ, anh lại ra lệnh cho tất cả dừng lại nghỉ 2 phút.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng những 2 phút nghỉ thường xuyên này một lúc nào đó có thể cứu được các đồng nghiệp của Orcasitas trong đám cháy, một vận động viên đang cố gắng sức chạy dưới trời nắng, một người nông dân đang làm nương trên đồi trọc, một tân binh đang trong những ngày huấn luyện đầu tiên cũng như cả nhân loại vào một ngày Trái Đất nóng tới nỗi chúng ta phải mặc đồ cứu hỏa ra đường.
"Căng thẳng nhiệt độ là một chủ đề rất phức tạp, vì vậy chúng ta cần giáo dục điều đó, không chỉ tới những người lính cứu hỏa mà cho tất cả mọi người thì càng tốt", Domitrovich nói. "Kiến thức từ những nghiên cứu này sẽ giúp cả nhân loại an toàn hơn trong tương lai".
Tham khảo Science
Lấy link