Đã bao giờ bạn lên giường, tắt đèn và tự nhủ hôm nay mình muốn mơ thấy một điều gì đó cụ thể, crush chẳng hạn? Bạn đã nhẩm đi nhẩm lại hình ảnh đó trong đầu nhưng rồi sáng dậy vẫn phải thất vọng vì giấc mơ của mình hoàn toàn trống rỗng.
Các nhà khoa học cho biết bạn đã chọn đúng chiến lược ám thị não bộ. Một giấc mơ có thể được gieo mầm từ bên ngoài, vấn đề là bạn phải biết tấn công vào đúng thời điểm: Một khoảnh khắc mong manh chuyển giao giữa trạng thái thức tỉnh và giấc ngủ được gọi là hypnagogia.
Thông thường, khoảnh khắc này xảy ra rất nhanh, và muốn nhắc nhở bản thân mơ thấy một thứ gì đó, bạn cần một cỗ máy để canh được khi nào thì hypnagogia diễn ra.
"Đó là một trạng thái tâm trí mập mờ và kì ảo, linh hoạt và đa chiều", nhà thần kinh học Adam Haar Horowitz đến từ MIT cho biết. Hàng đêm khi bạn đang di lang thang giữa trạng thái nửa tỉnh nửa mê, và rồi đột nhiên bạn bị kéo tụt xuống trong một khoảnh khắc, ở đó, suy nghĩ của bạn bùng nổ.
Một loạt các hình ảnh đột nhiên xuất hiện một cách mất kiểm soát đẩy bạn vào một thế giới của giấc mơ mà bạn không hề hay biết. Cú trượt chân bên rìa sự tỉnh thức và giấc mơ đó chính là hypnagogia, nơi mà bạn cần can thiệp.
Để có thể gieo mầm giấc mơ vào đúng khoảnh khắc hypnagogia, Horowitz và các đồng nghiệp của anh đã tạo ra một hệ thống gọi là Dormio. Về cơ bản, nó là một thiết bị đeo tay chứa cảm biến dạng uốn.
Cảm biến có thể cảm nhận được mức độ thư giãn của bàn tay người đeo trong khi họ ngủ. Các nhà khoa học đã sử dụng điện não đồ EEG, cảm biến nhịp tim và một số chỉ số sinh học khác để đồng bộ cảm biến cho Dormio, giúp nó nhận ra khi nào thì cơ bắp trong bàn tay của người ngủ thả lỏng đến giai đoạn hypnagogia.
Và rồi đúng khoảnh khắc đó, chiếc găng sẽ gửi một tín hiệu đến một app trên điện thoại smartphone, kích hoạt nó phát ra những từ khơi gợi hoặc gieo mầm giấc mơ, chẳng hạn như "Hãy nghĩ về một cái cây", "Hãy nghĩ về một con thỏ"…
Kỹ thuật này được các nhà khoa học gọi là '' (TDI), tạm dịch là "ấp ủ giấc mơ nhắm mục tiêu". Nó dựa trên các phát hiện khoa học về giai đoạn hypnagogia, trong đó não bộ con người vẫn có thể nghe và xử lý âm thanh. Các nhà khoa học dự đoán hypnagogia có thể là một "back door" để can thiệp vào nội dung giấc mơ bạn muốn có.
Năm 2018, Horowitz đã thử nghiệm thiết bị Dormio trên 6 tình nguyện viên ở MIT. Kết quả cho thấy tất cả đều có thể gợi nhớ ra từ được nhắc đến trong giấc mơ của họ.
Năm nay, Horowitz đã mở rộng thử nghiệm trên 49 người. Tất cả đều được Dormio nhắc gợi nhớ về một cái cây trong khi họ đi qua hypnagogia. Kết quả cho thấy 67% trong số họ đã mơ thấy những cái cây, thậm chí có những giấc mơ còn rất sống động.
"Giấc mơ của tôi là về một cái cây", một tình nguyện viên nói trong băng phỏng vấn sau khi đã thức dậy. "Tôi đang lần theo những nhánh rễ của nó trên mặt đất cùng với một ai đó. Bộ rễ của cái cây đã đưa tôi đến những địa điểm khác nhau ... Tôi có thể nghe thấy rễ cây rung động, phát ra năng lượng khi chungs dẫn tôi đi đâu đó".
Ngược lại, trong một nhóm đối chứng gồm các tình nguyện viên cũng đeo thiết bị Dormio nhưng không được nhắc nghĩ đến một cái cây, hầu như chẳng có ai mơ thấy chủ đề về cây cối.
Các thí nghiệm này cho thấy việc gieo mầm giấc mơ là hoàn toàn khả thi. Bằng cách can thiệp vào giai đoạn hypnagogia trước giấc ngủ, bạn có thể định hướng não bộ sản sinh ra những giấc mơ theo ý mình.
"Ươm mầm giấc mơ có mục tiêu là một phương pháp kích hoạt lại ký ức trong khi ngủ, kết hợp ký ức mục tiêu hoặc ký ức liên quan vào nội dung giấc mơ", Horowitz viết.
Ngoài việc giúp mọi người có thể thỏa sức mơ thấy những gì mà mình muốn, các nhà nghiên cứu cho biết hệ thống Dormio của họ có thể sử dụng như một kỹ thuật học tập hoặc kích thích sự sáng tạo.
"Mơ về một chủ đề cụ thể dường như sẽ mang lại các lợi ích sau khi thức dậy. Chẳng hạn như bạn có thể làm các nhiệm vụ sáng tạo liên quan đến chủ đề này", Horowitz nói.
Thomas Edison, Edgar Allen Poe, Vladimir Nabokov, Mary Shelley, Albert Einstein, Salvador Dali, August Kekule, và Richard Wagner từng được cho là những thiên tài biết lợi dụng giai đoạn hypnagogia trước giấc ngủ để kích thích não bộ của mình.
Thomas Edison trong một giấc ngủ trưa trong phòng thí nghiệm năm 1911.
Theo những câu chuyện kể lại, Edison thường ngủ trưa với những viên bi sắt trong tay. Khi ông ấy ngủ thiếp đi, cơ bắp thả lỏng và thư giãn khiến những viên bi sắt trôi khỏi tay và rơi xuống sàn nhà.
Tiếng động từ đó sẽ khiến Edion nhận ra mình trong đúng giai đoạn hypnagogia, giúp ông trải nghiệm được những ảo giác kỳ lạ trong khoảnh khắc này.
"Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên đối với những nhân vật lịch sử như Mary Shelley hay Salvador Dalí, những người được truyền cảm hứng sáng tạo từ những giấc mơ của họ. Sự khác biệt ở đây là chúng tôi tạo ra những giấc mơ kích thích sáng tạo một cách có chủ đích", Horowitz cho biết.
Các phát hiện từ nghiên cứu của anh được báo cáo trong tạp chí .
Tham khảo Sciencealert
Lấy link