Đó chính là Northrop Grumman B-2 Spirit , mẫu máy bay ném bom tàng hình hiện đại nhất thế giới tại thời điểm đó và đến nay vẫn được xem là biểu tượng tối thượng của công nghệ không quân Mỹ.

Sự kiện ngày 17/7/1989 đánh dấu lần đầu tiên B-2 Spirit xuất hiện trước công chúng , sau hơn một thập kỷ được phát triển trong bí mật. Dù thực tế chuyến bay đầu tiên của nó đã được thực hiện trước đó gần một tháng (ngày 17/6/1989), nhưng chuyến bay công khai tại Palmdale mới là thời điểm quân đội Mỹ chính thức "trình làng" một trong những chương trình quân sự đắt đỏ và tuyệt mật nhất từng được triển khai kể từ sau Thế chiến II.
Và kể từ khoảnh khắc đó, ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu đã chính thức bước sang một trang hoàn toàn mới - kỷ nguyên của máy bay tàng hình .
Điều khiến B-2 Spirit trở nên đặc biệt không chỉ là ngoại hình khác lạ của nó, với thiết kế cánh bay (flying wing) hoàn toàn không có thân và đuôi như máy bay truyền thống mà chính là khả năng tàng hình trước radar , một khái niệm gần như viễn tưởng vào thời điểm cuối thập niên 1980.
Nhờ vào hình dáng đặc biệt, vật liệu hấp thụ sóng radar và thiết kế động cơ chìm trong thân, B-2 có thể xuyên qua hệ thống phòng không dày đặc của đối phương mà không bị phát hiện , thực hiện các nhiệm vụ ném bom chính xác mà không cần hộ tống hay yểm trợ.

Công nghệ đứng sau B-2 là kết tinh của hàng chục năm nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu, khí động học và điện tử hàng không. Trong Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô không ngừng tăng cường hệ thống phòng không, quân đội Mỹ đã nhận ra rằng chỉ sức mạnh hỏa lực là chưa đủ, mà còn cần đến sự bí mật tuyệt đối trong tiếp cận và tấn công .
Đó là lý do khiến Lầu Năm Góc chấp nhận đầu tư vào chương trình có tổng chi phí lên tới hơn 2 tỷ USD cho mỗi chiếc B-2 , một con số khiến cả thế giới sửng sốt. Và đến nay, B-2 Spirit vẫn là máy bay đắt nhất từng được chế tạo trong lịch sử hàng không quân sự.
Mỗi chiếc B-2 dài khoảng 21 mét, sải cánh gần 52 mét, có thể bay xa hơn 11.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu , và khi được tiếp nhiên liệu trên không, nó có thể bay xuyên lục địa , mang theo tới 18 tấn bom, kể cả bom hạt nhân hoặc bom dẫn đường chính xác . Với chỉ hai phi công, B-2 có thể tự hoạt động độc lập và tiếp cận mục tiêu từ khoảng cách rất xa, không cần đến căn cứ gần chiến trường.

Tuy nhiên, vì chi phí quá cao và khó khăn trong sản xuất, ban đầu Không quân Mỹ dự định chế tạo hơn 130 chiếc, nhưng cuối cùng chỉ có 21 chiếc B-2 được đưa vào biên chế . Điều này khiến B-2 càng trở nên bí ẩn, đắt đỏ và mang tính biểu tượng hơn bao giờ hết.
Về mặt công nghệ, B-2 không chỉ mở đường cho các mẫu máy bay tàng hình thế hệ sau như F-22 Raptor hay F-35 Lightning II, mà còn đặt nền móng cho triết lý " thống trị chiến trường bằng sự vô hình", điều mà quân đội Mỹ đã theo đuổi trong hơn ba thập kỷ qua. Nó cũng thúc đẩy sự phát triển của radar băng tần thấp, công nghệ phát hiện nhiệt và các hệ thống phòng thủ tiên tiến hơn ở phía đối phương.
Lấy link