Khi Coursera công bố ra mắt hơn 3.000 khóa học có phụ đề tiếng Việt cùng loạt tính năng AI mới, nhiều người chỉ xem đây như một động thái mở rộng dịch vụ. Nhưng nhìn sâu hơn, đây thực chất là bước đi chiến lược, biến Coursera thành hạ tầng AI cho giáo dục trực tuyến tại Việt Nam.

Coursera công bố có hơn 3.000 khóa học được dịch sang tiếng Việt - Ảnh: Coursera
Việc triển khai phụ đề tiếng Việt cho các khóa học như Supervised Machine Learning của Stanford, AI for Everyone của DeepLearning.AI hay Python for Data Science của IBM không chỉ giúp học viên dễ tiếp cận hơn, mà còn thể hiện năng lực "bản địa hóa" nội dung AI ở quy mô lớn. Trong bối cảnh phần lớn nền tảng học trực tuyến quốc tế vẫn ưu tiên ngôn ngữ gốc, Coursera đang thể hiện ưu thế công nghệ khi dịch đồng loạt hàng nghìn khóa học trong thời gian ngắn. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, bởi khi AI trở thành kỹ năng bắt buộc, rào cản ngôn ngữ sẽ quyết định ai tiếp cận trước, ai tụt lại phía sau.

Giao diện các khóa học được dịch sang tiếng Việt trên nền tảng Coursera - Ảnh chụp màn hình
Điểm đáng chú ý nhất trong loạt cập nhật lần này là Coursera Coach - trợ lý học tập AI mới, có thể giải đáp câu hỏi, tóm tắt bài giảng, tư vấn lộ trình nghề nghiệp và hỗ trợ giảng viên tạo hoạt động học tập tương tác. Nếu trước đây mentor, academic advisor và career consultant là ba vị trí không thể thiếu trong giáo dục, thì giờ đây, Coursera đang gom tất cả vào một công cụ AI duy nhất. Trong một hệ thống giáo dục vẫn thiếu hụt giảng viên AI như Việt Nam, Coach có thể trở thành "giảng viên AI" đầu tiên hoạt động quy mô lớn, đặt ra thách thức cho các trường đại học vốn quen với mô hình giảng dạy truyền thống.

Ông Greg Hart, Giám đốc Điều hành Coursera, thuyết trình tại họp báo - Ảnh: Thế Duyệt
Ngoài Coach, Coursera còn công bố Course Builder, công cụ cho phép tổ chức giáo dục và doanh nghiệp tạo khóa học bằng AI. Người tạo khóa có thể nhập mục tiêu, từ đó AI xây dựng cấu trúc bài giảng, viết mô tả, thiết kế tài liệu học tập, bài tập, bảng thuật ngữ. Đây không còn là nền tảng học tập thuần túy mà đã trở thành "động cơ sản xuất nội dung giáo dục AI", cho phép doanh nghiệp và trường học Việt Nam nhanh chóng nhập khẩu kiến thức toàn cầu và đóng gói thành khóa học riêng.
Dữ liệu mà Coursera cung cấp cũng hé lộ một xu hướng đáng chú ý: Việt Nam đang trở thành điểm nóng về GenAI tại Đông Nam Á. Năm 2025, trung bình cứ 4 phút lại có một người đăng ký học GenAI trên Coursera. Chỉ trong một năm, số lượt ghi danh GenAI tại Việt Nam đã tăng 400%, với Gen Y (1981-1996) chiếm 61%. Đây là tín hiệu tích cực nhưng cũng là thách thức cho các trường và doanh nghiệp nếu không kịp thời đào tạo AI cho lực lượng lao động trẻ.

Ông Phan Trường Lâm, Trưởng ban Công nghệ Khối giáo dục FPT, phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: Thế Duyệt
Tham vọng "cắm rễ" vào hệ thống giáo dục chính quy của Coursera càng rõ khi nền tảng này tích hợp AI chấm điểm, giám sát thi, vấn đáp tự động và mở rộng hợp tác với 27 trường đại học, doanh nghiệp tại Việt Nam, từ FPT, VNG đến NEU và BUV. Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực, AI sẽ không còn là kỹ năng tùy chọn mà trở thành bắt buộc, và Coursera đang định vị mình như vendor hạ tầng mặc định cho giai đoạn đó.
Coursera không chỉ đang Việt hóa nội dung, mà còn âm thầm định hình cách người Việt học AI. Nếu các trường đại học và doanh nghiệp không kịp xây dựng năng lực AI nội bộ, họ sẽ phải phụ thuộc lâu dài vào các nền tảng này, tương tự cách Việt Nam từng phụ thuộc vào Facebook và Google trong marketing kỹ thuật số. Và khi ấy, quyền lực thật sự không nằm ở những người làm giáo dục, mà ở những công ty công nghệ sở hữu AI và nội dung.
Lấy link