Giấc mơ số và rào cản thực tế: Vì sao công nghệ thôi chưa đủ để thay đổi y tế và nông nghiệp?

Việc chuyển đổi số các ngành như nông nghiệp, y tế có thành công hay không không chỉ nằm ở công nghệ mà từ cách liên kết các tổ chức, quản lý một hệ sinh thái phức tạp.


Trong bối cảnh kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ số vào các ngành công nghiệp đang trở thành xu hướng tất yếu. Song, trọng tâm của quá trình chuyển đổi này không chỉ nằm ở bản thân công nghệ, mà quan trọng hơn là cách các tổ chức hợp tác và quản lý một hệ sinh thái (ecosystem) phức tạp.


Theo Giáo sư Thomas Malone - tác giả cuốn "Superminds" và "The Future of Work", “một số đổi mới quan trọng nhất trong tương lai sẽ không liên quan đến công nghệ, mà đến từ các hình thức hợp tác mới”. Điều này đặc biệt đúng với quá trình số hóa, nơi mà tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng tạo ra sự "dư thừa", khiến điểm nghẽn thực sự nằm ở khả năng cộng tác.


Đây là một chủ đề được bàn luận tại Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo (VSEFI 2025) do AVSE Global và Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức sáng 11/7 tại Hà Nội. Tại sự kiện, ông Wim Vanhaverbeke, Giáo sư Đổi mới Kỹ thuật số và Khởi nghiệp, Khoa Kinh tế Kinh doanh, Đại học Antwerp, Bỉ có bài trình bày về quản trị hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và công nghệ số, với các ví dụ thực tiễn trong ngành y tế và nông nghiệp chính xác.


Công nghệ có, nhưng người dùng chưa sẵn sàng


Trong các hội nghị quốc tế về đổi mới và số hóa, viễn cảnh công nghệ có thể biến đổi toàn diện các ngành như y tế và nông nghiệp luôn được nhắc đến như một lẽ tất yếu. Thế nhưng, phía sau những slide trình chiếu rực rỡ là gì? Một người tham dự hội thảo thẳng thắn: “Hầu hết các tổ chức lớn đều nói công nghệ số mang lại giá trị cho cả người nghèo. Nhưng tôi chưa thấy điều đó ngoài đời”. Nó dường như phản ánh một thực tế: ở nhiều nước đang phát triển, lợi ích từ số hóa vẫn chưa đến được với số đông.


W-VIS_5944.JPG.jpg
Ông Wim Vanhaverbeke, Giáo sư Đổi mới Kỹ thuật số và Khởi nghiệp, Khoa
Kinh tế Kinh doanh, Đại học Antwerp, Bỉ giới thiệu về quản trị hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và công nghệ số trong các ngành như y tế, nông nghiệp. Ảnh: BTC

Theo ông Wim Vanhaverbeke, trong nông nghiệp, những nền tảng quản lý mùa vụ và phun thuốc thông minh nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng nông dân chỉ chấp nhận đầu tư nếu thấy rõ lợi ích bằng con số cụ thể. Họ lo lắng về chi phí, về quyền sở hữu dữ liệu và nhất là nguy cơ bị “khóa” trong một hệ sinh thái máy móc riêng lẻ, như nền tảng của công ty chuyên máy móc nông nghiệp John Deere không kết nối được với hãng khác.


Giáo sư thừa nhận: “Nếu tập trung vào khách hàng cuối, một số người sẽ gặp khó vì họ không rành công nghệ… Người già, người bệnh… không phải ai cũng thành thạo công nghệ số”. Ông cho rằng thách thức lớn nhất không phải ở thuật toán hay phần mềm, mà ở việc biến những khái niệm phức tạp thành công cụ dễ hiểu, dễ dùng. “Các công ty vẫn quen nói chuyện với kỹ thuật viên, chứ không phải với bệnh nhân. Chuyển ngôn ngữ kỹ thuật thành thứ gì đó đơn giản, trực quan – điều đó rất, rất quan trọng”, ông nhấn mạnh.


Thách thức thật sự là hợp tác, không chỉ về công nghệ


Một thông điệp khác được Giáo sư Vanhaverbeke nhắc đi nhắc lại: chuyển đổi số không phải chỉ là chuyện mua thiết bị hay viết thêm vài dòng mã. Thách thức thật sự nằm ở việc tập hợp nhiều bên – vốn có lợi ích khác nhau – để cùng tạo ra giá trị.


Chẳng hạn, để triển khai một giải pháp chăm sóc tiểu đường dựa trên nền tảng số, cần sự tham gia của ít nhất 8 bên: từ nhà sản xuất thiết bị y tế, hãng dược, công ty bảo hiểm, bệnh viện cho đến công ty dữ liệu và bác sĩ. Mỗi bên lại có lý do riêng để tham gia: công ty bảo hiểm cần giảm chi phí, hãng dược muốn tăng tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị, còn công ty công nghệ cần kiếm tiền từ nền tảng.


“Nếu không có ai điều phối, mỗi bên sẽ đi theo lợi ích riêng và kết quả sẽ không có một giải pháp hoàn chỉnh”, ông phân tích. Hệ sinh thái được định nghĩa là "một cấu trúc liên kết của tập hợp các đối tác đa phương để tương tác nhằm hiện thực hóa một đề xuất giá trị cốt lõi".


b18ab63f dfbe 473f aa89 91bc8bd2d995.jpg
Bệnh viện Bạch Mai là một trong những bệnh viện tiên phong trong chuyển đổi số. Ảnh: PT

Trong y tế, dù công nghệ số có tiềm năng giảm chi phí đáng kể bằng cách cho phép theo dõi sức khỏe liên tục, phòng ngừa bệnh tật và phục hồi tại nhà, nhưng sự thiếu liên kết giữa các bên vẫn là một rào cản lớn. Trong bối cảnh này, những nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.


Mặc dù vậy, vẫn có hy vọng cho các thị trường mới nổi. Các quốc gia này, không bị cản trở bởi các cách thức tổ chức truyền thống, có thể "nhảy vọt" trong việc áp dụng công nghệ số. Ví dụ, việc số hóa yêu cầu thị thực ở một số quốc gia châu Phi diễn ra sớm hơn Bỉ, Trung Quốc hay Ấn Độ. Theo Giáo sư, Phương Tây cần cởi mở hơn để học hỏi từ các quốc gia khác, đặc biệt là từ những hệ thống tiên tiến ở Trung Quốc như WeChat, WeDoctor và GoodDoctor.


Thay vì chờ đợi thay đổi trên quy mô toàn quốc, việc tập trung vào các ví dụ nhỏ hơn, các nền tảng hoạt động hiệu quả có thể là bước đi đầu tiên. Estonia là một ví dụ điển hình về thành công trong một số trường hợp cụ thể, nhưng khả năng học hỏi từ những trường hợp tốt này còn hạn chế.


Công nghệ chỉ là công cụ, thay đổi thật sự bắt đầu từ con người


Câu chuyện số hóa y tế và nông nghiệp cho thấy rõ: công nghệ đã sẵn sàng, nhưng chìa khóa nằm ở quản trị và cách tổ chức xã hội. Muốn nông dân và bệnh nhân thực sự hưởng lợi, các bên liên quan phải vượt qua lợi ích cục bộ, dám chia sẻ dữ liệu, tạo ra những nền tảng mở thay vì đóng. “Đây không còn là vấn đề kỹ thuật. Đây là trách nhiệm của chúng ta – những người làm quản lý, hoạch định chính sách và tổ chức xã hội”, Giáo sư Vanhaverbeke kết luận.


Tóm lại, chuyển đổi số không phải là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề quản lý. Nó đòi hỏi chúng ta phải hiểu và giải quyết các vấn đề của hệ sinh thái, bao gồm việc điều phối các đối tác đa dạng, giải quyết xung đột lợi ích và xây dựng một chiến lược hiệu quả để vượt qua các rào cản thay đổi. Chỉ khi đó, giấc mơ số mới có thể thành hiện thực, thay vì chỉ là những bản trình chiếu đẹp trên màn hình hội thảo.









Giac mo so va rao can thuc te: Vi sao cong nghe thoi chua du de thay doi y te va nong nghiep?


Viec chuyen doi so cac nganh nhu nong nghiep, y te co thanh cong hay khong khong chi nam o cong nghe ma tu cach lien ket cac to chuc, quan ly mot he sinh thai phuc tap.

Giấc mơ số và rào cản thực tế: Vì sao công nghệ thôi chưa đủ để thay đổi y tế và nông nghiệp?

Việc chuyển đổi số các ngành như nông nghiệp, y tế có thành công hay không không chỉ nằm ở công nghệ mà từ cách liên kết các tổ chức, quản lý một hệ sinh thái phức tạp.
Giấc mơ số và rào cản thực tế: Vì sao công nghệ thôi chưa đủ để thay đổi y tế và nông nghiệp?
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: