Trung tâm Xúc tiến và Cấp phép Không gian Quốc gia Ấn Độ (IN-SPACe) đã “bật đèn xanh” cho các hoạt động băng thông rộng vệ tinh của Starlink. Với sự chấp thuận này, Starlink tiến thêm một bước gần hơn đến việc mang kết nối Internet tốc độ cao dựa trên vệ tinh đến các hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp đất nước.
Starlink hứa hẹn mang Internet tốc độ cao đến khu vực vùng sâu, vùng xa Ấn Độ. Ảnh: Starlink Theo đó, Starlink được phép vận hành chòm vệ tinh Gen1 trên lãnh thổ Ấn Độ. Giấy phép sẽ có hiệu lực đến ngày 7/7/2030. Ngoài việc cấp phép hoạt động, IN-SPACe cũng đã phân bổ các dải tần số cụ thể mà Starlink có thể sử dụng để truyền Internet từ vệ tinh đến người dùng mặt đất ở Ấn Độ. Công ty được ủy quyền sử dụng kết hợp các dải tần Ka và Ku cho cả đường truyền lên (uplink) và đường truyền xuống (downlink).
Dù đây là một bước đột phá để gia nhập Ấn Độ, việc ra mắt thương mại sẽ không diễn ra ngay lập tức. Starlink vẫn sẽ cần mua tần số từ Bộ Viễn thông (DoT), thiết lập cơ sở hạ tầng mặt đất như các trạm mặt đất (gateway) và hoàn tất các thủ tục bảo mật cần thiết. Các nguồn tin cho rằng nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Starlink có thể bắt đầu cung cấp dịch vụ tại Ấn Độ vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.
Starlink, thuộc SpaceX của Elon Musk, cung cấp dịch vụ Internet thông qua một mạng lưới các vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO). Phương pháp này đặc biệt có lợi cho người dùng ở các vùng xa xôi và nông thôn, nơi các mạng cáp quang hoặc di động truyền thống không đáng tin cậy hoặc không khả dụng. Hệ thống hoạt động bằng cách truyền tín hiệu Internet trực tiếp từ vệ tinh đến một đĩa nhỏ được lắp đặt tại vị trí của người dùng, cung cấp tốc độ khá tốt ngay cả ở những khu vực không được phủ sóng bởi cơ sở hạ tầng băng thông rộng hiện có.
Trên toàn cầu, Starlink đã hoạt động tại hơn 100 quốc gia và đã triển khai hơn 6.000 vệ tinh cho đến nay. Công ty có kế hoạch mở rộng con số này lên 42.000 vệ tinh trong những năm tới. Tại Ấn Độ, Starlink dự kiến sẽ cung cấp tốc độ từ 25 Mbps đến 220 Mbps, tùy thuộc vào vị trí và phạm vi phủ sóng vệ tinh. Dịch vụ cũng sẽ ra mắt với dung lượng dữ liệu khoảng 600 đến 700 Gbps, có thể hỗ trợ hàng nghìn người dùng trên khắp đất nước.
Bộ công cụ Tiêu chuẩn (Standard Kit) – bao gồm một đĩa vệ tinh, chân đế, bộ định tuyến Wi-Fi và cáp – có thể sẽ có giá khoảng 33.000 Rupee (10 triệu đồng). Các gói đăng ký hàng tháng với sử dụng dữ liệu không giới hạn dự kiến sẽ có giá từ 3.000 đến 4.200 Rupee (hơn 900.000 đến 1,28 triệu đồng).