Tại TP HCM ngày 1-7, phường Sài Gòn bước vào ngày đầu tiên chính thức vận hành chính quyền 2 cấp.
Ngay từ sáng, lượng người đến làm thủ tục hành chính khá đông và quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ mạch lạc, không xảy ra tình trạng ùn ứ.

Trụ sở phường Sài Gòn sáng 1-7
Ông Trần Công Hậu, Phó Chủ tịch UBND phường Sài Gòn, thông tin toàn bộ cán bộ, công chức của phường đã chờ đợi và chuẩn bị kỹ cho thời khắc 1-7.
Theo ông, quận 1 trước đây đã rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức cũng như trải qua tập huấn vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nên việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin tốt.
Ông Trần Công Hậu cho hay phường Sài Gòn đã có chuẩn bị kỹ lưỡng khi vận hành
Tới hiện tại, cán bộ, công chức phường đều được quán triệt tinh thần phục vụ, người dân và doanh nghiệp cảm thấy an tâm đến phường Sài Gòn để thực hiện thủ tục hành chính.
"Trước ngày vận hành, Đảng ủy, UBND, HĐND phường đã thống nhất tinh thần làm việc trách nhiệm cao, tận tụy với dân, lấy hiệu quả công vụ làm thước đo năng lực cán bộ" – ông Hậu cho hay.

Người dân tới làm thủ tục tại phường Sài Gòn
Một trong những cán bộ công tác tại phường Sài Gòn, anh Võ Thành Phát, trước đây làm việc tại phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), chia sẻ trong ngày đầu tiên thực hiện công việc mới có nhiều cảm xúc xem lẫn, hồi hộp nhưng vẫn rất hào hứng. Mọi công việc đến trưa nay, theo anh Phát, thuận lợi, vận hành trơn tru, chưa gặp vấn đề gì.
Từ góc độ trực tiếp vận hành bộ máy hành chính, ông Bùi Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hành chính công phường Sài Gòn, thừa nhận những bỡ ngỡ ban đầu khi một số thẩm quyền được chuyển giao từ quận về phường.
Ông Bùi Trường Giang
"Dù đã được tập huấn kỹ nhưng thực tế vẫn có khác biệt. Một vài quy trình có thể chậm hơn do cán bộ phải làm quen lại, tuy nhiên toàn bộ anh em đều sẵn sàng điều chỉnh và hoàn thiện" - ông Giang nhìn nhận đồng thời bày tỏ mong muốn nhận được nhiều góp ý từ người dân, doanh nghiệp để có thể cải thiện quy trình theo hướng phù hợp và hiệu quả nhất, đúng tinh thần chỉ đạo "phục vụ là trên hết".
Một điểm nổi bật trong ngày đầu thực hiện mô hình mới là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Theo ông Giang, từ trước khi thành lập phường Sài Gòn, hệ thống thủ tục hành chính đã được số hóa ở mức độ cao. Đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Chuyển đổi số thành phố, trong đó có việc bố trí hai chuyên viên trực tiếp hỗ trợ vận hành 24/24, phường đã sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ cả trực tiếp lẫn trực tuyến.
"Chúng tôi mong người dân và doanh nghiệp hạn chế đi lại các cơ quan thẩm quyền để tránh mất thời gian của mình mà nhà số hoá hồ sơ và nộp trực tuyến. Như vậy, áp lực đi lại của người dân và áp lực giải quyết công việc trực tiếp của các cán bộ phường Sài Gòn sẽ được hạn chế."- ông Giang thông tin thêm.
Về phía người dân, chị Ngô Hồng Anh, ngụ tại phường Sài Gòn, chia sẻ niềm xúc động khi đến làm thủ tục đăng ký kết hôn đúng vào ngày đặc biệt này.
"Mình không cố tình chọn ngày này, nhưng lại trùng đúng ngày đất nước có sự thay đổi lớn về cấp hành chính. Mình thấy rất đông người đến làm việc, không khí tươi mới. Mình nghĩ đây là bước ngoặt lớn cho đất nước. Hy vọng từ đây, các thủ tục sẽ nhanh hơn, dễ dàng hơn, đặc biệt là cho người lớn tuổi hoặc những người quen với môi trường hiện đại" – chị Hồng Anh nói.
Ông Ralf Hill (đến từ Đức) sống và làm việc tại Việt Nam 15 năm, hôm nay đến UBND phường Sài Gòn để dịch công chứng, ông cho biết trước đây cũng thường phải đến làm thủ tục giấy tờ, được hướng dẫn và giải quyết khá nhanh chóng, thuận lợi, không gặp khó khăn gì.

Được biết, sau khi hoàn tất thủ tục hành chính, người dân còn được nhận một móc khóa kỷ niệm mang dòng chữ "Ủy ban Nhân dân phường Sài Gòn kính tặng". Món quà nhỏ nhưng tinh tế, thể hiện sự trân trọng và gần gũi của chính quyền địa phương đối với từng công dân đến giao dịch.

Cách phường Sài Gòn không xa, phường Xuân Hoà cũng bước vào ngày đầu tiên chính thức vận hành chính quyền 2 cấp.

Phường Xuân Hòa trong sáng 1-7
Phường Xuân Hòa được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ phường Võ Thị Sáu và phần còn lại của phường 4. Phường Xuân Hòa mới có diện tích tự nhiên 2,217 km², dân số 48.464 người.
Theo ghi nhận, cán bộ, người dân phường phấn khởi tiếp nhận bộ máy mới.
Bà Nguyễn Thanh Xuân, Thành ủy viên – Bí thư Đảng ủy phường Xuân Hòa, nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của ngày hôm nay.

Bà Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của ngày hôm nay
Việc vận hành thông suốt Trung tâm Phục vụ hành chính công được xác định là ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ "then chốt" cần tập trung mọi nguồn lực. Bà Nguyễn Thanh Xuân yêu cầu cán bộ, công chức làm việc tại trung tâm phải luôn ý thức mình là bộ mặt của chính quyền, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
"Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng gián đoạn việc cung cấp dịch vụ hành chính công vì lý do sắp xếp bộ máy" - bà Nguyễn Thanh Xuân lưu ý.

Buổi làm việc tại phường Xuân Hòa
Ông Nguyễn Hùng Hậu, Chủ tịch phường Xuân Hòa, cho biết phường đã khẩn trương chỉnh trang cơ sở vật chất, rà soát và nâng cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, toàn thể cán bộ, công chức đã được tập huấn kỹ lưỡng, sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới.
"Phường Xuân Hòa đã sẵn sàng với quyết tâm rất cao, sự đồng lòng của cán bộ và nhân dân quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và chất lượng phục vụ người dân cũng được nâng lên trong thời gian sắp tới" - ông Nguyễn Hùng Hậu khẳng định.
Ông Ngô Kim Long (ngụ phường Xuân Hoà) đến làm thủ tục trích lục hồ sơ hộ tịch vui vì hoàn tất rất nhanh. "Tôi đến làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ Hành chính công thấy rất nhanh. Ngày trước làm là phải đi qua hết phòng này rồi bàn kia thì nay tôi chỉ cần ngồi một chỗ là được hỗ trợ hoàn tất thủ tục, chỉ mất 5-7 phút" - ông Kim Long phấn khởi nói.

Người dân sử dụng Kios tiếp dân thông minh tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Xuân Hoà
Phan Thị Mỹ Duyên (Sinh viên năm 2 Trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM), cho hay khi đến làm hồ sơ cũng sợ mất thời gian nhưng quá trình làm hồ sơ thủ tục đã diễn ra trơn tru và nhanh hơn so với trước.

"Và điều đặc biệt ở phường này như mình thấy là ngoài cán bộ phường thì còn có sự hỗ trợ của những chú robot. Vì thế nên các thủ tục từ nhận số đến vào quầy giải quyết đều diễn ra nhanh chóng" - Mỹ Duyên cảm nhận.
Ghi nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Nhà Bè, bộ phận một cửa hoạt động nhộn nhịp từ sớm với sự hỗ trợ tận tình của đội ngũ cán bộ.

Trung tâm phục vụ hành chính công xã Nhà Bè
Dù là ngày đầu tiên áp dụng mô hình chính quyền hai cấp sau khi xã Nhà Bè được thành lập trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng thị trấn Nhà Bè, xã Phú Xuân, xã Phước Kiển và xã Phước Lộc nhưng công tác tiếp nhận và xử lí hồ sơ vẫn diễn ra nhịp nhàng.
Chị Nguyễn Đăng Uyên (SN 1980, ngụ quận 7) cho biết đến để làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Là người lâu nay ít tiếp xúc với các thủ tục hành chính, chị ban đầu khá e ngại, nhất là trong bối cảnh địa phương vừa sáp nhập và chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp.
"Tôi cứ nghĩ sẽ phải chờ đợi lâu vì thay đổi tổ chức hành chính, rồi thủ tục có thể rườm rà hơn bình thường. Không ngờ là mọi thứ diễn ra nhanh chóng, cán bộ ở đây hướng dẫn rất kĩ, ai cũng nhiệt tình. Tôi thấy rất hài lòng" - chị Uyên nói.
Tại khu vực tiếp dân, bảng hướng dẫn thủ tục được niêm yết rõ ràng, các bước xử lí hồ sơ cũng được công khai minh bạch. Nhiều người dân lớn tuổi được nhân viên chủ động hỗ trợ ghi chép thông tin, lấy số thứ tự và nộp hồ sơ thay.
Ông Huỳnh Văn Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Nhà Bè, cho biết trong sáng 1-7, lượng người dân đến làm thủ tục hành chính tăng gấp đôi so với trước thời điểm sáp nhập.
Trước áp lực đó, trung tâm đã chủ động tăng cường lực lượng hỗ trợ. Ngoài 10 quầy tiếp nhận hồ sơ hoạt động thường xuyên, đơn vị còn huy động thêm 12 cán bộ từ các phòng ban chuyên môn trực tiếp ra quầy để hướng dẫn người dân.

Ông Huỳnh Văn Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Nhà Bè, cho biết phần lớn thủ tục sáng nay tập trung vào mảng chứng thực và hộ tịch
Theo ông Hoàng, phần lớn thủ tục sáng nay tập trung vào mảng chứng thực và hộ tịch - vốn trước đây được thực hiện tại các xã cũ. Việc sáp nhập khiến thẩm quyền giải quyết chuyển sang Chủ tịch UBND xã mới, dẫn đến một số quy trình ban đầu chưa thật sự trơn tru. Tuy nhiên, toàn bộ cán bộ, nhân viên đều đã được tập huấn kĩ lưỡng và đang nỗ lực tối đa để bắt nhịp nhanh với mô hình mới.
"Một số người dân vẫn chưa quen thao tác trên Cổng dịch vụ công quốc gia nên cán bộ của chúng tôi theo sát và hỗ trợ từng bước. Mục tiêu của trung tâm là phục vụ người dân nhanh nhất, hiệu quả nhất" - ông Hoàng cho biết thêm.
Tại phường Thủ Đức, đơn vị trang bị hẳn robot hỗ trợ, phục vụ người dân đến làm thủ tục hành chính.
Robot hỗ trợ, phục vụ người dân đến làm thủ tục hành chính Thủ Đức

Người dân sử dụng robot
Bà Cù Thoại Vy, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thủ Đức

Robot có dòng chữ siêu đáng yêu "Kính chào quý khách"

Robot tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Thủ Đức

Robot tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Thủ Đức
Trước đó, phường Thủ Đức đã khánh thành Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Một người dân tới phường Thủ Đức làm thủ tục
Ghi nhận tại nhiều phường, xã, đặc khu trên địa bàn TP HCM, không khí ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp diễn ra nhộn nhịp nhưng chỉn chu, khẩn trương. Tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công, cán bộ có mặt từ sớm; việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính diễn ra thông suốt.
Người dân đến làm thủ tục vẫn như mọi ngày, nhưng trong ánh mắt cán bộ và người dân đều lấp lánh sự kỳ vọng – rằng mô hình mới sẽ thật sự gần dân hơn, giải quyết công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn. Như hình ảnh ghi nhận ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp tại Phường Bình Tiên. Phường Bình Tiên được thành lập trên cơ sở nhập các phường 1, 7 và 8 (quận 6).




Còn tại phường Vũng Tàu, từ 7 giờ 30 phút, người dân đã tập trung rất đông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công để bốc số, chờ gọi tên giải quyết hồ sơ, thủ tục. Không khí nhộn nhịp, khẩn trương lan tỏa khắp trung tâm khi đây là ngày đầu tiên các phường mới chính thức vận hành theo mô hình hành chính mới sau sáp nhập.
Theo ghi nhận, cán bộ, công chức tại trung tâm đều có mặt từ sớm để kiểm tra hệ thống, đảm bảo vận hành suôn sẻ.

Phường Vũng Tàu bố trí lực lượng thanh niên hướng dẫn người dân đến làm thủ tục
Người dân tay cầm giấy tờ, hồ sơ xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt. Nhiều người tỏ ra phấn khởi khi thấy quy trình xử lý thủ tục diễn ra nhanh gọn, có sự hướng dẫn tận tình của cán bộ tiếp nhận, đoàn viên thanh niên. Hệ thống máy móc, bảng chỉ dẫn điện tử và nhân viên hỗ trợ được bố trí khoa học giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin và di chuyển đến đúng quầy dịch vụ.

Cán bộ, công chức phường Vũng Tàu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Ông Nguyễn Văn Hải, người dân phường Vũng Tàu, cho biết rất kỳ vọng vào bộ máy hành chính mới khi sáng nay các khâu giải quyết thủ tục của ông diễn ra khá suôn sẻ, thời gian chờ đợi không quá lâu "Giờ đây Vũng Tàu đã là một phần thuộc TP HCM, chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới, các thủ tục hành chính sẽ ngày càng tinh gọn, giúp người dân tiết kiệm được thời gian, công sức", ông Hải nói.

Ông Nguyễn Tấn Bản, Bí thư phường Vũng Tàu, chỉ đạo trực tiếp tại trung tâm phục vụ hành chính công
Ông Nguyễn Tấn Bản, Bí thư phường Vũng Tàu, cho biết đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó để đảm bảo các quầy thủ tục được vận hành một cách suôn sẻ, đến nay chỉ có một số khó khăn về cơ sở vật chất, những khó khăn nay sẽ được khắc phục trong những ngày tiếp theo.
"Lãnh đạo phường đã quán triệt đối với cán bộ, công chức về tác phong phục vụ người dân cũng như thời gian giải quyết thủ tục, sao cho nhanh gọn, mục tiêu là phục vụ người dân chu đáo, không để xảy ra ách tắc" - ông Bản nhấn mạnh.
Còn tại Đặc khu Côn Đảo, trước đây cũng đã hoạt động theo mô hình 2 cấp nên không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông Phan Trọng Hiền, Chủ tịch UBND đặc khu Côn Đảo, cho biết để các thủ tục trực tuyến được giải quyết nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp, chính quyền đã nâng cấp tốc độ đường truyền lên nhanh gấp 3 lần so với trước. Đồng thời đã trang bị thêm nhiều máy móc, phương tiện để trung tâm hành chính công hoạt động thông suốt.
Để chuẩn bị cho sự kiện lịch sử ngày 1-7-2025 - vận hành chính thức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, TP HCM đã có vận hành thử nghiệm 2 lần.
Ngày 12-6, TP HCM lần đầu vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại 102 phường, xã. Tiếp đó, ngày 22-6, thành phố thử nghiệm các nền tảng số dùng chung. Sau 2 lần này, nhiều kinh nghiệm được đúc kết, những vấn đề bất cập hoặc phát sinh được khắc phục.
Đếnn ngày 25-6, TP HCM đồng loạt triển khai vận hành thử nghiệm các nền tảng số tại 168 phường, xã, đặc khu. Kết quả cho thấy hệ thống các phần mềm dung chung đảm bảo thông suốt để có thể phục vụ đưa vào vận hành chính thức.
TP HCM mới có diện tích hơn 6.772 km² với dân số hơn 14 triệu người; có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo. Trong đó, TP HCM có 102 phường, xã; Bình Dương 36 phường, xã và Bà Rịa - Vũng Tàu có 30 phường, xã.
Xét về diện tích, TP HCM mới có 3 xã có diện tích lớn nhất gồm: xã Phú Giáo (diện tích 192,83 km2, đạt tỉ lệ hơn 642% so với chỉ tiêu diện tích), xã Dầu Tiếng (diện tích 182,68 km2, đạt tỉ lệ hơn 608% so với chỉ tiêu diện tích) và xã Long Hòa (diện tích 166,76 km2, đạt tỉ lệ hơn hơn 555% so với chỉ tiêu diện tích). 3 xã này là kết quả sắp xếp của đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương.
Về dân số, TP HCM mới có 3 xã, phường đông dân nhất sau sắp xếp, bao gồm: phường Dĩ An với 227.817 người (506,26% so với tiêu chuẩn); phường Hiệp Bình với 215.638 người (479,20% so với tiêu chuẩn); phường Tăng Nhơn Phú với 208.233 người (426,74% so với tiêu chuẩn). 3 phường này là kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn Bình Dương và TP HCM.
Lấy link