Ngày 27/5, tại TPHCM, sự kiện French Tech Summit Vietnam 2025 (FTSV 2025) do La French Tech Vietnam tổ chức, với sự đồng hành của đối tác chiến lược AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu) đã chính thức được diễn ra.
Tiềm năng hợp tác về công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa Pháp và Việt Nam còn rất lớn. Ảnh: Lê Mỹ Tham dự sự kiện có bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM; ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; cùng hơn 1.500 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư, startup và chuyên gia công nghệ từ Pháp và Việt Nam.
Sự kiện mang sứ mệnh tạo dựng một diễn đàn công nghệ – đầu tư – đổi mới sáng tạo xuyên biên giới, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của Pháp trong tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
FTSV 2025 diễn ra đúng vào thời điểm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Sự kiện này là một phần trong kế hoạch thực hiện Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Pháp, ký kết tháng 10/2024. Theo đó, hai bên cam kết thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhằm xây dựng mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên số.
Sự kiện năm nay tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như: Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sức khỏe (HealthTech), số hóa doanh nghiệp (Enterprise Digitalization), công nghệ xanh (GreenTech), công nghệ sinh học (BioTech), giải trí số (Digital Entertainment) và đầu tư mạo hiểm (Venture Capital).
Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM. Ảnh: Sỹ Đông Phát biểu tại sự kiện, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM cho biết: “Đổi mới sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu và kinh doanh là một trục xuyên suốt trong quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua”.
Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM cũng khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển công nghệ thông qua các tổ chức cũng như các chương trình hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn với sự tham gia của Ủy ban Năng lượng hạt nhân và Năng lượng tái tạo Pháp (CEA).
Theo bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, trong hơn 30 năm qua, đã có khoảng 15.000 kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại Pháp và Việt Nam. Đây là hành trình hợp tác được hai bên cùng nhau ghi nhận và tiếp tục thúc đẩy thông qua các hoạt động như FTSV 2025.
Sự kiện lần này là dịp để đưa các công ty khởi nghiệp và doanh nhân của hai quốc gia vào trung tâm của hợp tác và đổi mới sáng tạo; tạo cơ hội kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của hai nước; tập trung thảo luận về các chủ đề chiến lược như trí tuệ nhân tạo, môi trường, chuyển đổi số doanh nghiệp và công nghệ tài chính. Trong những lĩnh vực này, hai bên đã triển khai nhiều dự án cụ thể.
Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM nhận định tiềm năng hợp tác vẫn còn rất lớn. Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong các ngành công nghệ như AI, bán dẫn, được thúc đẩy bởi lực lượng lao động trẻ, được đào tạo tốt và môi trường kinh doanh thuận lợi.
Đồng thời, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser cũng cho biết, Pháp sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với Việt Nam; mở rộng cơ hội hợp tác và chào đón các doanh nhân Việt bước vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Pháp.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp thể hiện sự tin tưởng và cam kết đồng hành từ phía Pháp trong việc hỗ trợ Việt Nam vượt qua các thách thức để phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Ảnh: Lê Mỹ Hiện nay, Pháp là một trong những nhà đầu tư lớn từ châu Âu tại Việt Nam với hơn 600 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 3,8 tỷ USD, tập trung vào năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, công nghiệp chế biến và hạ tầng đô thị.
Dự báo đến năm 2025, dòng vốn FDI từ Pháp vào Việt Nam có thể đạt 4,42 tỷ USD, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và chuyển đổi số.
Việt Nam hiện đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn trong đầu tư công nghệ cao. Đặc biệt, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) đóng vai trò trung tâm trong thúc đẩy 9 lĩnh vực công nghệ trọng điểm gồm: Công nghiệp môi trường, y tế, nhà máy thông minh, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, truyền thông số, đô thị thông minh, nông nghiệp xanh và an ninh mạng.
NIC cũng tự hào với các chương trình hợp tác cùng các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Intel, NVIDIA… đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM hy vọng rằng, trong thời gian tới cả Pháp và Việt Nam tiếp tục cùng nhau hợp tác, kiến tạo và tạo ra những giá trị đột phá. Một trong những trọng tâm là thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ y tế, công nghiệp, môi trường… những lĩnh vực mà Pháp và Việt Nam đều có thế mạnh và tiềm năng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Dũng mong muốn thông qua sự kiện lần này sẽ tạo ra những sáng kiến cụ thể, góp phần nâng cao năng lực quản lý, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả hai quốc gia.