Tại kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 57 năm 2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 71 năm 2025 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Xây dựng đã xác định mục tiêu “Từng bước làm chủ và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ số; phát triển và ứng dụng các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật và các công nghệ mới trong nghiên cứu các lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải, thí điểm cụ thể trong xây dựng đô thị thông minh, giao thông thông minh”.
Thời gian qua, một số tỉnh, thành phố đã nghiên cứu triển khai xây dựng đô thị thông minh, trong đó có hợp phần giao thông thông minh. Ảnh minh họa: T.H Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Bộ Xây dựng được giao tập trung triển khai trong năm 2025 là triển khai thu phí không dừng tại bến xe, bãi đỗ trong đô thị, đánh giá hiệu quả để cải thiện quản lý giao thông, thúc đẩy văn minh đô thị.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của các tỉnh, thành phố khi triển khai xây dựng giao thông thông minh và đô thị thông minh.
Thông tin thêm với PV VietNamNet về định hướng của ngành trong việc triển khai các giải pháp giao thông thông minh và thu phí điện tử không dừng, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ Xây dựng) cho biết: Để nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo hiệu quả vận hành, khai thác các tuyến đường bộ cao tốc theo chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã giao các chủ đầu tư nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh.
Hệ thống gồm các hệ thống thành phần là giám sát điều hành giao thông, thu phí điện tử không dừng và công trình kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến đường bộ cao tốc do Bộ Xây dựng là cơ quan quyết định đầu tư và cơ bản sẽ hoàn thành đồng bộ với việc xây dựng, đưa vào sử dụng các tuyến đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.
Để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ trên toàn mạng lưới đường bộ, Bộ Xây dựng cũng đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát hoàn thiện về kế hoạch tổng thể, kiến trúc tổng thể, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về hệ thống giao thông thông minh, trong đó có việc kết nối, chia sẻ với hệ thống quản lý, điều hành giao thông trong đô thị.
Giám đốc Trung tâm CNTT - Bộ Xây dựng Lê Thanh Tùng chủ trì phiên thảo luận tại hội thảo “Thúc đẩy các giải pháp giao thông thông minh và triển khai thu phí không dừng tại bến xe, bãi đỗ trong đô thị”. Ảnh: T.H Cũng theo ông Lê Thanh Tùng, bên cạnh những kết quả tích cực về triển khai thu phí điện tử không dừng trên hệ thống quốc lộ và đường cao tốc, việc thúc đẩy triển khai thu phí điện tử không dừng tại các bến xe, bãi đỗ xe cũng đang được Bộ Xây dựng triển khai nhằm thúc đẩy văn minh đô thị, tạo thuận lợi cho người dân.
Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành hành lang pháp lý sau khi tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 119 năm 2024 về thanh toán điện tử giao thông đường bộ; đồng thời, Bộ cũng đã thúc đẩy các giải pháp kỹ thuật và các đơn vị đã phối hợp với các địa phương như Hà Nội, TPHCM triển khai thí điểm thành công.
“Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, hành lang pháp lý và giải pháp kỹ thuật để triển khai thu phí không dừng tại bến xe, điểm đỗ đã cơ bản sẵn sàng. Đặc thù là hệ thống bến xe, điểm đỗ trong đô thị thuộc thẩm quyền quản lý của các địa phương. Vì thế, chúng tôi mong rằng các địa phương sẽ chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ này để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cải thiện văn minh đô thị”, ông Lê Thanh Tùng chia sẻ.
Tại hội thảo“Thúc đẩy các giải pháp giao thông thông minh và triển khai thu phí không dừng tại bến xe, bãi đỗ trong đô thị” được Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai giao thông thông minh và hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các bãi xe, điểm đỗ xe trong đô thị.
Cập nhật thực tiễn triển khai hệ thống giao thông thông minh ITS, ông Đào Xuân Trường, đại diện Viettel Solutions cho hay, bên cạnh các dự án lớn tại Hà Nội và Hải Phòng, đơn vị cũng đang triển khai nhiều giải pháp giao thông thông minh khác trên cả nước.
Tiêu biểu như hệ thống camera xử phạt giao thông; hệ thống thu phí không dừng trên quốc lộ cho một số tỉnh miền Trung, miền Nam và hệ thống thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc trọng điểm.
Điễm đỗ Trần Quang Khải là một trong những điểm đỗ thông minh đang áp dụng công nghệ thu phí không dừng do Viettel ePass triển khai. Ảnh: T.H Với giải pháp điểm đỗ thông minh ứng dụng công nghệ thu phí không dừng do Viettel ePass phát triển, tính đến tháng 4, đơn vị đã triển khai thành công giải pháp này tại 5 sân bay lớn toàn quốc cùng hơn 300 điểm đỗ nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Lào Cai, Vũng Tàu, An Giang..., với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 90% và 100% xuất hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế.
Nhận định các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã làm chủ công nghệ thu phí không dừng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn thông tin: Có những doanh nghiệp như Viettel ePass và VETC đã triển khai thành công giải pháp thu phí điện tử không dừng trên hệ thống quốc lộ, cao tốc và đang từng bước mở rộng dịch vụ thu phí tại các cảng hàng không, bến xe, điểm đỗ trong đô thị để tạo thuận lợi cho người dân.
“Do đó, tôi đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai thành công như Hà Nội, TPHCM làm việc với các đơn vị cung cấp giải pháp để xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với địa phương mình”, đại diện Bộ Xây dựng đề xuất.