Quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực như fintech, thương mại điện tử và sản xuất, đang làm mở rộng "bề mặt" tấn công mạng. Báo cáo Ứng phó sự cố toàn cầu của Palo Alto Networks ghi nhận hơn 659.000 sự cố an ninh mạng tại Việt Nam năm 2024, trong đó 14,6% có liên quan đến mã độc tống tiền (ransomware).
Trong cuộc trao đổi với báo chí tuần này, ông Hoàng Quang Huy, Giám đốc Palo Alto Networks Việt Nam, nhận định bài toán an ninh mạng ở Việt Nam không chỉ nằm ở công nghệ mà còn phụ thuộc yếu tố con người. Người Việt không khác biệt so với các nước khác về nhận thức an ninh mạng, nhưng điểm nổi bật là tinh thần khám phá công nghệ mới rất cao. "Họ rất tò mò, hay khám phá, ví dụ cách ứng dụng để khai thác ChatGPT. Họ cũng thích chia sẻ trên dark web cách làm thế nào để sử dụng AI hack chỗ này chỗ kia", ông nói.
Theo ông, tính cách này sẽ tác động tới tình hình an ninh mạng nói chung bởi thông tin có thể lan tràn với tốc độ rất nhanh. Ở khía cạnh khác, phần lớn nhân lực có năng lực cao về an ninh mạng của Việt Nam tập trung tại ngân hàng và công ty lớn, khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tìm người.
Ý thức về an toàn an ninh bảo mật hiện còn thấp, đặc biệt tại doanh nghiệp nhỏ. Để giải bài toán này, ông Huy khuyến nghị bộ phận CNTT tại các cơ quan, tổ chức cần làm việc với khối nhân sự nhằm tăng ý thức chung, đào tạo để nhân viên biết đâu là thông tin nhạy cảm, không được chia sẻ.
Ông Simon Green, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Palo Alto Networks, cho biết Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn của các doanh nghiệp an ninh mạng nhờ quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Tuy vậy, việc đảm bảo an ninh mạng gặp phải nhiều thách thức khi AI không chỉ thúc đẩy đổi mới mà còn làm thay đổi toàn diện bối cảnh chung.
"AI cho phép rút ngắn thời gian viết mã độc từ 12 giờ xuống còn 15 phút, với chi phí sử dụng chỉ 200 USD/tháng, trong khi tội phạm mạng ngày càng hoạt động tinh vi, vượt qua biên giới các quốc gia, không chịu sự ràng buộc của luật pháp mà chỉ tập trung vào ý đồ của chúng", ông nói.
Từ quan sát cá nhân, ông cho rằng, tất cả thiết bị như điện thoại, máy tính hay dữ liệu trên đám mây đều có nguy cơ bị tấn công, với độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Các vụ tấn công gần đây cũng không còn theo kiểu "nằm vùng" nhiều tháng, nhiều năm như trước, mà chỉ trong vài phút, dữ liệu đã có thể bị truy xuất và đánh cắp.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai các nền tảng bảo mật thông minh sử dụng AI là xu hướng tất yếu. "Giải pháp bảo mật không thể tiếp cận theo phương thức truyền thống, phải dùng AI để vận hành theo thời gian thực", ông nhận định.
Trọng Đạt
- Tên miền website có thể trở thành mục tiêu tấn công
- Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về số vụ tấn công 'vét cạn'
- Facebook hạn chế hiển thị bài đăng 'lách luật'
- Tên miền website có thể trở thành mục tiêu tấn công
- Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về số vụ tấn công 'vét cạn'
- Facebook hạn chế hiển thị bài đăng 'lách luật'