Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho hay doanh nghiệp viễn thông sẽ phải thực triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.
Theo thông tin từ cơ quan công an về việc vi phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng Telegram như có tới 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam.
Trong đó có nhiều hội, nhóm với hàng chục nghìn đối tượng tham gia, do các đối tượng chống đối, phản động tạo lập, phát tán tài liệu chống phá, xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo, rao bán dữ liệu người dùng, ma túy, thậm chí có trường hợp nghi vấn liên quan đến khủng bố.
Áp dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động Telegram tại Việt Nam Vì vậy, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đề nghị Cục Viễn thông chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tiến hành các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động Telegram tại Việt Nam.
Cục Viễn thông đã có văn bản đề nghị doanh nghiệp viễn thông triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan công an; báo cáo giải pháp, kết quả thực hiện bằng văn bản về Cục Viễn thông trước ngày 02/6/2025.
Telegram hiện tại có thể tạo các nhóm trao đổi, tạo các topic trong từng nhóm, số lượng người tham gia nhóm lớn, không có nhiều ràng buộc, giới hạn về mặt kích thước file hay nội dung, tin nhắn, cuộc gọi thực hiện nhanh và chất lượng ổn định và tất cả đều là miễn phí.
Đây chính là ưu thế lớn của Telegram so với các ứng dụng khác. Điều này đã thu hút người dùng chuyển dịch sang Telegram ngày một nhiều.
Người dùng tăng lên, nhưng đi kèm tỉ lệ thuận với đó là “tệ nạn” trên Telegram cũng tăng lên nhanh chóng theo thời gian, đồng thời nền tảng này cũng là nơi tội phạm mạng hoạt động mạnh mẽ.