Trong buổi gặp lãnh đạo Viettel, Viettel Global và 9 công ty con đang hoạt động tại thị trường nước ngoài chiều 21/5, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận những thành tựu của doanh nghiệp này trong lĩnh vực viễn thông di động và đưa ra nhiều định hướng để chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Trong số các đơn vị thành viên của Viettel, Viettel Global là đơn vị phụ trách đầu tư tại thị trường quốc tế. Thành lập năm 2007, sau gần 20 năm đầu tư ra nước ngoài, Viettel Global đã hiện diện tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, phục vụ 90 triệu khách hàng. Trong đó, 7 thị trường chiếm vị trí số một về thị phần viễn thông di động.
Theo Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng, trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, xung đột vũ trang xảy ra tại nhiều thị trường doanh nghiệp này đầu tư, cùng việc biến động về tỷ giá ngoại tệ, 5 năm qua Viettel Global vẫn gặt hái những kết quả đáng ghi nhận.
Ở giai đoạn 2020-2025, Viettel Global tăng gấp 3 lần về doanh thu và gấp 4 về lợi nhuận. "Dù khó khăn, Viettel đã vươn lên số một về thị phần ở Haiti, Myanmar, Mozambique, trong khi tại Peru tiến lên vị trí số hai", Tổng giám đốc Viettel chia sẻ.
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo của Viettel các thị trường nước ngoài đã trao đổi nhiều vấn đề, trong đó có nên mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực ngoài viễn thông trong bối cảnh thị trường di động tại nhiều nước bão hòa? Làm sao để giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng hay chi phí tần số quá cao tại nước sở tại?
Trong bối cảnh thị trường viễn thông bão hòa, tăng trưởng chậm lại, Tổng giám đốc Viettel Campuchia Cao Mạnh Đức cho biết doanh nghiệp này cân nhắc đầu tư vào nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh. Tuy nhiên, đại diện Metfone (mạng viễn thông của Viettel tại Campuchia) bày tỏ sự lưỡng lự giữa việc có nên đầu tư trái ngành hay tiếp tục bám trụ với mảng viễn thông truyền thống.
Có góc nhìn tương tự, ông Phạm Anh Đức, Tổng giám đốc Viettel Peru đề nghị Bộ trưởng hỗ trợ, tư vấn để Bitel có thể đầu tư thêm vào các mảng ngành nghề khác ngoài viễn thông. Trong khi, ông Phan Trường Sơn, Tổng giám đốc Viettel Burundi băn khoăn trước các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng.
Ngoài ra, một vấn đề khác mà Viettel Burundi gặp phải là bài toán thiếu hụt năng lượng. "100% trạm BTS của Viettel Burundi sử dụng năng lượng mặt trời, nhưng nước này có 7 tháng mùa mưa, xăng dầu lúc nào cũng thiếu", ông Sơn nói.
Tại quốc gia Đông Phi là Tanzania, ông Bùi Văn Thắng, Tổng giám đốc Halotel gặp khó khăn về vấn đề thuế phí và chính sách quản lý viễn thông. Đây cũng là vướng mắc của Telemor - Viettel Timor Leste khi Bộ chủ quản tại nước này tính giá tần số cao gấp 1,5 lần so với mức trung bình thế giới.
"Sau khai phá, củng cố là tiến lên"
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá câu chuyện đầu tư ra nước ngoài của Viettel đã góp phần thu hẹp khoảng cách số tại nhiều nước đang phát triển.
Thực tế này đã được Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) ghi nhận và lấy làm ví dụ minh họa nhiều lần. "Nhìn ra thế giới, có lẽ câu chuyện làm được như thế, Viettel là duy nhất", Bộ trưởng nhận định.
Trước những trăn trở về định hướng mới của các đơn vị, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh hạ tầng viễn thông, các công ty con của Viettel ở nước ngoài nên nghĩ đến việc đầu tư, phát triển các hạ tầng gần với đó như: Internet, dữ liệu, vật lý số (IoT), tiện ích (utility) và an ninh mạng. Ngoài ra còn có những mảng khác như dịch vụ CNTT, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, nông nghiệp số, Fintech, giáo dục đào tạo số, y tế số...
"Nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn đi ra nước ngoài nhưng lại ngại vì không hiểu thị trường. Sao Viettel không làm trung gian, giúp đưa doanh nghiệp nước mình sang và hưởng lợi từ đó", Bộ trưởng đặt vấn đề. Tại mỗi nước, ông muốn đơn vị này hình thành phòng thương mại quốc tế, đưa các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam sang và ngược lại.
Liên hệ đến câu chuyện của Viettel Burundi về cơ hội trong lĩnh vực khai mỏ, Bộ trưởng gợi ý công ty có thể hợp tác với một doanh nghiệp "có nghề" ở Việt Nam, đưa họ sang khảo sát rồi đặt vấn đề với chính quyền sở tại. Đối với việc thiếu hụt năng lượng, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Khoa học, kỹ thuật và công nghệ thử tìm kiếm một nguồn năng lượng mới từ mưa, thủy triều hay dòng chảy để giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề.
Trước những khó khăn về mặt chính sách, Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị chủ động liên hệ, tạo mối quan hệ với cơ quan chức năng sở tại, đồng thời có công văn gửi Bộ Ngoại giao, nhờ hỗ trợ của sứ quán Việt Nam tại các nước. Song song đó, Bộ trưởng sẽ sắp xếp đến thăm các nước có doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đầu tư lớn.
Theo Bộ trưởng, Viettel đã có 20 năm không ngừng phấn đấu để có tên trên bản đồ viễn thông thế giới, trở thành niềm tự hào, truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Cũng nhờ đầu tư nước ngoài, Viettel đã trở thành doanh nghiệp top 20 thế giới về thuê bao, với giá trị thương hiệu 9 tỷ USD, xếp thứ 16 thế giới.
Trong kỷ nguyên mới của đất nước, để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, Bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp "bắt buộc phải đi ra nước ngoài, khai thác thị trường toàn cầu". Do vậy, giờ là lúc Viettel phải đi tiếp để phát triển các thị trường mới, các hình thức kinh doanh mới, "chinh phục thế giới để Việt Nam không bị chinh phục".
"Sự nghiệp của chúng ta 10 năm đầu là khai phá, 10 năm tiếp theo là củng cố, 10 năm tới là tiến lên", Bộ trưởng nhận định. Trong pha phát triển mới, người đứng đầu ngành Khoa học và Công nghệ kỳ vọng Viettel Global "mở ra trang mới huy hoàng hơn, vừa nhanh, vừa bền vững cho chặng đường 10 năm tới".
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã tặng bằng khen cho Viettel Global và các công ty trực thuộc gồm Viettel Campuchia, Viettel Lào, Viettel Mozambique, Viettel Peru, Viettel Burundi, Viettel Myanmar, Viettel Haiti, Viettel Tanzania, Viettel Timor Leste vì những thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành.
Trọng Đạt
- Bộ Khoa học và Công nghệ điều động, bổ nhiệm lãnh đạo 5 đơn vị
- 'Biến trí tuệ thành tài sản để đưa Việt Nam phát triển'
- Công bố Tổ Công tác về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Bộ Khoa học và Công nghệ điều động, bổ nhiệm lãnh đạo 5 đơn vị
- 'Biến trí tuệ thành tài sản để đưa Việt Nam phát triển'
- Công bố Tổ Công tác về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệGửi góp ý