Khi nhắc đến hóa thạch khủng long, hình ảnh thường hiện lên trong tâm trí nhiều người là những vùng đất khô cằn, hoang vu, nơi ánh nắng thiêu đốt mặt đất nứt nẻ. Tuy nhiên, một trong những “nghĩa địa khủng long” phong phú và kỳ lạ nhất trên thế giới lại được chôn vùi dưới những tán rừng rậm rạp ở Alberta, miền bắc Canada, nơi mà ít ai ngờ tới.
Địa điểm này được biết đến với cái tên Pipestone Creek, nơi chứa hàng chục nghìn mảnh xương hóa thạch thuộc về một loài khủng long có sừng kỳ lạ: Pachyrhinosaurus.

Pachyrhinosaurus là một loài khủng long thuộc họ Ceratopsidae (khủng long sừng, có diềm), giống với Triceratops.
Gần đây, những bí ẩn bao quanh khu mộ địa khổng lồ này đã trở thành trọng tâm trong loạt phim tài liệu “Walking With Dinosaurs” mới của BBC – phiên bản tái xuất sau hơn hai thập kỷ kể từ ngày ra mắt lần đầu tiên.
Trong đó, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ hiện đại để điều tra và tái hiện lại khoảnh khắc cuối cùng của cả đàn Pachyrhinosaurus, mang đến những phát hiện gây chấn động.
Giáo sư Emily Bamforth – nhà cổ sinh vật học kiêm giám tuyển tại Bảo tàng Khủng long Philip J. Currie (Alberta), người trực tiếp tham gia nghiên cứu địa điểm này cho biết: “Nơi đây là một trong những bãi xương khủng long dày đặc nhất Bắc Mỹ, có hơn 10.000 cá thể được tìm thấy, với mật độ 100 đến 300 mảnh xương chỉ trong một mét vuông. Khu vực khai quật trải dài đến hơn một kilomet vuông, tạo thành một nghĩa địa hóa thạch khổng lồ và vô cùng quý giá”.

Pachyrhinosaurus ống vào cuối kỷ Phấn Trắng, khoảng 70-72 triệu năm trước, chỉ vài triệu năm trước khi khủng long tuyệt chủng.
Loài khủng long Pachyrhinosaurus mà Bamforth nghiên cứu thuộc họ ceratopsian, nhóm khủng long có sừng nổi tiếng mà thành viên quen thuộc nhất là Triceratops. Tuy nhiên, Pachyrhinosaurus lại mang đặc điểm khác biệt rõ rệt.
Thay vì sở hữu sừng lớn trên mũi như họ hàng của mình, chúng có một khối xương cứng lớn gọi là "trùm" ở ngay giữa mặt, một cấu trúc chưa từng thấy ở bất kỳ loài khủng long có sừng nào khác.
Đến nay, ba loài Pachyrhinosaurus đã được phát hiện, chủ yếu ở các vùng vĩ độ cao như Alaska và Canada. Chúng có chiều dài cơ thể lên tới hơn 6 mét, trọng lượng vượt quá 2 tấn và đặc biệt sống thành đàn khổng lồ, số lượng có thể lên đến hàng nghìn cá thể, tương tự như những đàn tuần lộc di cư ngày nay nhưng ở quy mô lớn hơn nhiều.
Chính đặc điểm sống bầy đàn đã khiến các nhà cổ sinh vật học đặt câu hỏi: điều gì đã có thể cùng lúc tiêu diệt cả một đàn Pachyrhinosaurus như vậy, từ con non mới lớn đến cá thể trưởng thành?
Theo Giáo sư Bamforth, câu trả lời rất có thể nằm ở một thảm họa thiên nhiên có quy mô tàn khốc, một trận lũ quét xảy ra cách đây khoảng 72 triệu năm.

Hóa thạch của Pachyrhinosaurus được tìm thấy ở Bắc Mỹ, bao gồm Canada và Alaska. Điều này cho thấy chúng có khả năng thích nghi với môi trường lạnh hơn so với nhiều loài khủng long khác.
“Chúng tôi nghĩ rằng đàn khủng long này đã bị cuốn trôi và chết chìm do một đợt lũ lớn bất ngờ, có thể bắt nguồn từ các cơn mưa mùa hoặc bão lũ từ dãy núi gần đó. Những gì xảy ra rất giống với các hiện tượng lũ quét mà chúng ta thấy ngày nay, nhưng với mức độ dữ dội gấp nhiều lần”. Bamforth phân tích.
Sự kiện thảm khốc này đã vô tình tạo điều kiện lý tưởng để bảo tồn hóa thạch một cách hoàn hảo: các cá thể Pachyrhinosaurus bị chôn vùi gần như ngay lập tức trong bùn đất, bảo tồn nguyên vẹn cấu trúc xương theo thời gian.
Nhờ vậy, các nhà nghiên cứu có thể nghiên cứu một cách chi tiết về sự phát triển, cấu trúc xã hội và hành vi của loài khủng long này qua từng giai đoạn trưởng thành.
Không chỉ dừng lại ở Pachyrhinosaurus, khu nghĩa địa cổ đại còn cung cấp bằng chứng về sự xuất hiện của các loài khủng long ăn thịt như Albertosaurus, một loài theropod lớn, cùng các loài khủng long ăn thịt nhỏ hơn có quan hệ gần với chim hiện đại.
Những kẻ săn mồi này dường như đã đến “dọn dẹp chiến trường” sau thảm họa và ăn xác những con khủng long đã chết – một cảnh tượng đầy ám ảnh nhưng là một phần của chuỗi sinh học thời tiền sử.

Albertosaurus là một loài khủng long ăn thịt lớn, thuộc họ Tyrannosauridae, có họ hàng gần với Tyrannosaurus rex nổi tiếng.
Theo Bamforth, đây là một “khoảnh khắc đông cứng” trong lịch sử cổ sinh vật học. Sự kiện chôn vùi đột ngột đã tạo ra một bức tranh sinh học hoàn chỉnh về một hệ sinh thái cổ đại – nơi không chỉ có con mồi mà còn cả kẻ săn mồi, được lưu giữ trọn vẹn sau hàng chục triệu năm.
Những phát hiện này không chỉ giúp làm sáng tỏ hành vi của Pachyrhinosaurus mà còn cung cấp một bức tranh sống động về đời sống của các loài khủng long ở khu vực vĩ độ cao, nơi từng được bao phủ bởi rừng rậm và có khí hậu ẩm ướt.

Pachyrhinosaurus là một loài khủng long ăn cỏ to lớn, có sừng và diềm đặc trưng, sống ở Bắc Mỹ vào cuối kỷ Phấn Trắng, nổi bật với "tấm sừng" dày trên mũi.
Dù còn nhiều bí ẩn chưa được giải đáp, nhưng việc tái dựng một phần quá khứ cách đây hàng chục triệu năm đang ngày càng trở nên khả thi nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ.
Và khu nghĩa địa 10.000 con khủng long ở Alberta, Canada, chính là một trong những cánh cửa kỳ diệu đang mở ra cho giới nghiên cứu – nơi lịch sử cổ đại vẫn đang thì thầm kể lại câu chuyện của mình qua từng mảnh xương hóa thạch.
Lấy link