Chiều 12/5, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức lễ công bố Báo cáo Phát triển con người 2025. Chủ đề của báo cáo năm nay là "Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo và lựa chọn phát triển con người", nhấn mạnh vai trò của AI như một động lực quan trọng trong thúc đẩy phát triển con người.
Theo báo cáo của UNDP, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2023 đạt 0,766, thuộc nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao, đứng thứ 93/193 quốc gia. Giai đoạn 1990 đến 2023, chỉ số HDI Việt Nam tăng từ 0,499 lên 0,766.
UNDP đánh giá cao những nỗ lực và tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong việc duy trì mức HDI cao trong những năm gần đây, phản ánh hành trình chuyển đổi số và ứng dụng AI cũng như cam kết của Chính phủ trong đẩy mạnh phát triển con người.
Một mục tiêu mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đặt ra đến năm 2030 là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hoá, xã hội, con người Việt Nam, đóng góp vào chỉ số phát triển con người duy trì trên 0,7.
Các chuyên gia của UNDP, UNESCO cùng lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp và học viện có mặt tại hội thảo nhận xét: Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, ấn tượng, với AI trở thành trọng tâm của nhiều cuộc tranh luận quốc gia.
Bà Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu Con người, Gia đình và Giới, cho biết khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và AI là ưu tiên của Việt Nam, với các chương trình như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Đặc biệt, Nghị quyết 57 cho thấy tầm nhìn AI tham vọng vào táo bạo, báo hiệu thập kỷ tiếp theo với nhiều thay đổi. Bà Trần Thị Thanh Hương, cán bộ UNESCO, nhận xét: “Việt Nam thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hành động quyết liệt trong thúc đẩy và quản trị AI, thông qua các quyết định, nghị quyết của Chính phủ được xây dựng và ban hành thời gian qua”.
Các diễn giả thảo luận về tiềm năng AI thúc đẩy phát triển con người tại Việt Nam. Ảnh: Du Lam Điểm qua những thành tựu của Việt Nam về kinh tế số, hạ tầng số, xã hội số cũng như chỉ số sẵn sàng AI và nguồn nhân lực AI, bà Hương tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu trở thành cường quốc AI trong tương lai.
Dù vậy, bà cũng lưu ý AI cần phát triển cân bằng với con người, xã hội, bảo đảm yếu tố bao trùm và đạo đức khác cũng như tác động đến môi trường, năng lượng.
Phát triển AI song hành cùng phát triển con người
Khuyến nghị của UNESCO về Đạo đức trong Trí tuệ nhân tạo (AI) được 193 nước thành viên thông qua ngày 25/11/2021, là văn kiện đầu tiên trên thế giới giúp xác định và đề xuất các nguyên tắc chung để hướng dẫn xây dựng cơ sở pháp lý, chính sách nhằm phát triển và sử dụng AI đạo đức, có trách nhiệm.
PGS.TS Cao Thu Hằng, Tạp chí Cộng sản, thông tin, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng bộ quy tắc đạo đức AI dựa trên hướng dẫn của UNESCO nhằm nâng cao chỉ số HDI.
Bà Hằng chỉ ra, nội dung này đang được đề cập đến trong một số nghị quyết và quyết định của Chính phủ, cũng như trong các dự thảo luật mới nhưng Việt Nam chưa có khung riêng về đạo đức AI. Theo bà Hằng, nên có bộ quy tắc đạo đức AI cấp quốc gia để các tổ chức, đơn vị áp dụng.
Trong bối cảnh hiện nay, AI có thể góp phần gia tăng thu nhập, cải thiện tuổi thọ, tăng năng suất lao động nhưng đó không phải tất cả. Nhìn từ góc độ đạo đức, bà nhấn mạnh: "Không thể cho rằng có sự phát triển của con người nếu quyền riêng tư bị xâm phạm, quyền tự chủ bị điều hướng bởi thuật toán AI, năng lực sáng tạo bị giảm sút do lệ thuộc AI". Chính vì lý do này, cần chú trọng đạo đức AI để mang đến giá trị tích cực cho sự phát triển của con người.
Bên cạnh xây dựng bộ khung riêng, bà Hằng cũng nêu một số đề xuất để tăng cường vai trò của đạo đức AI trong phát triển con người, bao gồm: đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho người dân; hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường hợp tác quốc tế.
Gợi ý định hướng phát triển AI tại Việt Nam, ông Jonathan London – chuyên gia tư vấn UNDP và UNICEF – chỉ ra Việt Nam phải tìm ra lợi thế ngách để cạnh tranh, chẳng hạn trong đóng gói chip, kiểm thử chip; hay ứng dụng AI trong đánh giá cây trồng, năng suất cây trồng. Để gia tăng cơ hội, cần trang bị cho người dân kiến thức và công cụ để nâng cao năng suất và tham gia vào nền kinh tế.
Theo ông London, trong kỷ nguyên mới của Việt Nam, AI có thể giải quyết thách thức và mang lại cơ hội hay không hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò của Nhà nước trong đầu tư và quản trị AI. AI là lực đẩy để Việt Nam đạt được đột phá, thúc đẩy kinh tế bao trùm, song chìa khóa không nằm ở công nghệ, kỹ thuật mà ở thể chế, chính sách để tận dụng AI một cách phù hợp.