Ông Smith đề cập thông tin trên trong phiên điều trần của Thượng viện ngày 8/5. Đây là lần đầu tiên Microsoft công khai về lệnh cấm, dù trước đó nhiều tổ chức và quốc gia đã hạn chế DeepSeek. Nguyên nhân liên quan đến rủi ro dữ liệu có thể được lưu trữ tại Trung Quốc.
Chính sách bảo mật của DeepSeek nêu rõ họ lưu dữ liệu người dùng trên các máy chủ tại Trung Quốc và tuân thủ luật pháp Trung Quốc.
Microsoft đã cung cấp mô hình R1 của DeepSeek trên dịch vụ đám mây Azure của hãng ngay sau khi nó phổ biến đầu năm nay. Tuy nhiên, việc cung cấp mô hình này khác với ứng dụng chatbot DeepSeek.
DeepSeek là mã nguồn mở, nên bất kỳ ai cũng có thể tải xuống mô hình, lưu trên máy chủ riêng và cung cấp cho khách hàng mà không cần gửi dữ liệu về Trung Quốc. Khi đưa DeepSeek lên Azure, Microsoft cũng khẳng định mô hình đã trải qua "đánh giá an toàn và thử nghiệm nghiêm ngặt".
Không phủ nhận ứng dụng DeepSeek cạnh tranh trực tiếp với Microsoft Copilot, công ty cho biết họ không cấm tất cả đối thủ khỏi cửa hàng ứng dụng Windows, trừ đối thủ lớn nhất là Google. Hiện trình duyệt Chrome và chatbot Gemini đều không có mặt trong cửa hàng ứng dụng của Microsoft.
Công ty khởi nghiệp Trung Quốc DeepSeek gây sốt hồi tháng 1 khi miễn phí mô hình V3 và công bố mô hình R1 "đào tạo trên các chip cũ của Nvidia, mã nguồn mở 100%, rẻ hơn 96,4% so với OpenAI o1 trong khi vẫn mang lại hiệu suất tương tự". Tuy nhiên, thành công của DeepSeek cũng khiến nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại và áp dụng lệnh cấm ở mức độ khác nhau, như ở Hàn Quốc, Australia, Italy...
Huy Đức (theo Tech Crunch)