Chiều 9/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có các quy định mới về tài sản mã hóa. Theo dự thảo, tài sản số là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.
Dự thảo Luật do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, gồm 7 chương, 57 điều, giảm 16 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 dự thảo Luật gồm 7 chương, 57 điều, giảm 16 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Đại biểu Bình nói dự thảo mới đưa ra định nghĩa chung về tài sản số, nhưng chưa có phân loại chi tiết. Trong khi đây là những khái niệm có tính chất pháp lý đặc thù, tương tự dữ liệu cá nhân, mã nguồn phần mềm. Vì vậy, ông đề nghị phân biệt rõ ràng trong chế định về tài sản.
Ông đề xuất phân loại tài sản số thành năm nhóm:
Dữ liệu số có thể định danh cá nhân gắn với quyền riêng tư được điều chỉnh bởi pháp luật dữ liệu cá nhân;
Dữ liệu phi cá nhân gồm dữ liệu đã được phi cá nhân hóa hoặc không gắn danh tính con người có thể chia sẻ, lưu trữ, kinh doanh;
Phần mềm và mã nguồn bao gồm phần mềm thương mại, mã nguồn mở, các thuật toán mô hình AI có thể cấp phép hoặc chuyển giao;
Nội dung số có tính chất sở hữu trí tuệ như ảnh, video, âm thanh, sách điện tử có thể là tài sản vô hình định giá được;
Tài sản số có thể định giá được bao gồm NFT, tài sản số trên nền tảng Blockchain, dữ liệu huấn luyện AI, mô hình AI đã được kiểm định.
Theo ông Bình, việc phân loại này sẽ góp phần làm rõ phạm vi điều chỉnh và cơ chế bảo hộ, chuyển nhượng, định giá; giúp định hình rõ trách nhiệm, nghĩa vụ thuế, bảo mật và pháp lý với từng loại tài sản, làm cơ sở xây dựng quy định về kế toán.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba, chuyên trách Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, việc phân biệt các loại tài sản số như dự luật chưa rõ ràng.
Ông Ba cũng nhìn nhận việc phân loại tài sản số là vấn đề rất khó và phức tạp về kỹ thuật. Trên thế giới cũng đang có quan điểm rất khác nhau.
Song nhìn chung, đây là tài sản được tạo ra bởi các công nghệ kỹ thuật số nhưng phải gắn với một môi trường ảo cụ thể. Ông lấy ví dụ "đất ảo" trong thế giới ảo Metaverse hay "tiền vàng" trong một trò chơi điện tử. "Tài sản ảo phải gắn với môi trường cụ thể như thế mới xác định được là tài sản ảo. Không thể nói tài sản ảo chung chung", ông Ba nói.
Tương tự, đối với tài sản mã hóa, phổ biến trên thế giới gắn với công nghệ blockchain, công nghệ chuỗi khối. Điển hình là bitcoin, token, NFT. Ông đề nghị khái quát tiêu chí về kỹ thuật để phân biệt các nhóm tài sản số. "Việc phân loại tài sản ảo rất quan trọng để Chính phủ đưa ra cơ chế quản lý, đảm bảo an ninh an toàn trong các giao dịch tài sản này", ông nói.
Giải trình về nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng dự thảo Luật chỉ thiết kế quy định mang tính nguyên tắc cơ bản, để tạo lập hành lang pháp lý cho tài sản số.
Các nội dung về thẩm quyền, quản lý đối với tài sản số trong đó có nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số, cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ do Chính phủ quy định chi tiết tương ứng với từng loại hình tài sản số và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tài sản ảo trên môi trường điện tử là một loại tài sản số có thể được dùng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư. Tài sản này không bao gồm chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về dân sự, tài chính.
Tài sản mã hóa là một loại tài sản số mà sử dụng công nghệ mã hóa hoặc công nghệ số có chức năng tương tự để xác thực đối với tài sản trong quá trình tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao.
Theo dự thảo Luật, quản lý tài sản số bao gồm các quy định về quyền sở hữu, chuyển nhượng, sử dụng tài sản số; quy định về thuế, tài chính; hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin; quy định về bảo mật, an toàn thông tin, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng; quản lý theo vòng đời; phòng chống, ngăn chặn, quản lý rủi ro.
Số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho thấy, vào tháng 9/2023, giá trị tiền ảo Việt Nam nhận về tương đương gần 91 tỷ USD trong một năm (từ 10/2021 đến 10/2022). Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.
Sơn Hà
Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệGửi góp ý