Việt Nam đã bắt tay vào hiện thực hóa xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn từ rất sớm từ những năm 1979, nhưng con đường này gặp nhiều chông gai. Thế nhưng lịch sử đang gọi tên, cơ hội mới đang mở ra cho Việt Nam để trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn trên thế giới và những thế hệ người Việt đang hiện thực hóa giấc mơ dang dở này.
Bài 1: Giấc mơ ngành công nghiệp bán dẫn vẫn đau đáu với doanh nghiệp Việt
Những người Việt viết tiếp giấc mơ dang dở
Năm 2024, trong bộ phim tài liệu tài liệu do FPT và Discovery phối hợp sản xuất trong bộ phim tài liệu dài hơn 20 phút kể về cuộc cách mạng công nghệ số của Việt Nam, từ một quốc gia không tên trên bản đồ công nghệ số thế giới trở thành một trong những nền kinh tế số hàng đầu khu vực châu Á và đang ở vị thế lý tưởng để dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghệ mới cũng như trở thành trung tâm nguồn lực công nghệ của thế giới.
“FPT đã cùng các doanh nghiệp CNTT khác tạo thành một đàn chim Việt bay đi khắp thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu”. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT Bộ phim được chia làm 3 phần, khắc họa rõ nét từng bước phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số Việt Nam. Trong vai trò doanh nghiệp tiên phong dẫn dắt sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam, FPT được các nhà làm phim của Discovery đặt vào vị trí “nhân vật chính” của bộ phim.
Trong bộ phim này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết: "Hơn hai thập kỷ trước, không ai nghĩ Việt Nam có thể phát triển phần mềm cho thế giới. Cứ đi là có đường. FPT đã cùng các doanh nghiệp CNTT khác đã tạo thành một đàn chim Việt bay đi khắp thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu. Giờ đây, Việt Nam đang có 1 triệu kỹ sư CNTT, một nửa trong số đó là lập trình viên. Nếu có thể tập trung nguồn lực này cho lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Việt Nam không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể cung ứng cho toàn thế giới.”
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết, FPT đã cùng các doanh nghiệp CNTT khác đã tạo thành một đàn chim Việt bay đi khắp thế giới. Ảnh: PV Tháng 11/2022, FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (trực thuộc FPT Software - công ty thành viên Tập đoàn FPT) chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT). Việc thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc điều hành FPT Semiconductor cho biết: “Việc thành lập FPT Semiconductor là một bước tiếp nối hoài bão và ước mơ của nhiều thế hệ người Việt. Có thể nhiều người chưa biết, chúng ta đã từng có nhà máy bán dẫn Việt Nam, vào năm 1979, được biết đến với cái tên nhà máy Z181, cung ứng rất nhiều thiết bị bán dẫn cho thị trường Đông Âu. Với tiêu chí “chip Make in Vietnam, Made by FPT”, chúng tôi có kế hoạch thiết kế và thương mại hóa sản phẩm chip, đưa những dòng chip đến với thị trường trong nước, cũng như nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc… Chúng tôi muốn làm mới lại tham vọng và viết tiếp giấc mơ mà thế hệ cha ông đã từng làm”.
FPT Semiconductor ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật. Ảnh: FPT “Hiện nay, Viettel và FPT là hai công ty Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế IC. Viettel tập trung vào 5G, còn chúng tôi tập trung vào PMIC (mạch tích hợp quản lý năng lượng)”, ông Quang nói.
Giải thích lý do FPT lựa chọn PMIC và IC nguồn, lãnh đạo FPT Semiconductor cho biết, tất cả các thiết bị điện tử hiện nay đều cần nguồn điện, PMIC và IC nguồn. PMIC được ví như trái tim của một hệ thống, cung cấp năng lượng từ pin đến toàn bộ hệ thống, giống như tim bơm máu đi khắp cơ thể. Hiện thị trường này rất lớn, ước tính khoảng 1,3 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa chuỗi sản xuất thay vì phụ thuộc quá nhiều Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, đặc biệt trong sản xuất các thiết bị điện tử.
Cùng với FPT, Viettel đã bắt tay vào lĩnh vực thiết kế, sản xuất chip bán dẫn. Viettel đã tuyên bố thiết kế thành công chip 5G DFE, con chip phức tạp nhất trong khu vực Đông Nam Á cho đến nay. Con chip xử lý tín hiệu vô tuyến trạm 5G, với khả năng xử lý 1.000 tỷ phép tính mỗi giây. Chip xử lý vô tuyến và băng gốc sẽ là thành phần không thể thiếu trong hàng trăm triệu các trạm thu phát mà thế giới cần để triển khai mạng viễn thông thế hệ mới.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ: “Viettel xác định đây là chặng đường dài, cần có một lộ trình tiếp cận hợp lý, vững chắc cả về nghiên cứu cơ bản và kinh doanh. Để phát triển công nghiệp bán dẫn, cần thiết kế, sản xuất các con chip đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, các hệ thống điện tử trong nước, nhu cầu an ninh quốc gia. Đây là nền tảng để phát triển các công nghệ chip tiên tiến, thế hệ mới, mở rộng cung cấp ra nước ngoài”.
Viettel đã tuyên bố thiết kế thành công chip 5G DFE, con chip phức tạp nhất trong khu vực Đông Nam Á cho đến nay. Ảnh: PV Lịch sử gọi tên Việt Nam
Tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn Việt Nam (AISC VIETNAM 2025), Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình khẳng định vị thế của Việt Nam như một điểm đến tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực AI và bán dẫn. Chủ tịch FPT chia sẻ câu chuyện về những trải nghiệm của các lãnh đạo công nghệ hàng đầu thế giới như ông Jensen Huang (CEO NVIDIA) và các đối tác quốc tế khác, những người đã bày tỏ sự ngạc nhiên và ấn tượng trước sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam: "Việt Nam không chỉ là một đất nước xinh đẹp, mà còn là một không gian rộng lớn, đầy tiềm năng cho hợp tác trong lĩnh vực AI và bán dẫn".
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT&TT (Bộ TT&TT), Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược dài hạn như vậy.
Ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, Việt Nam cần làm chủ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử, nếu không muốn trở thành một đất nước gia công, trong đó phát huy lợi thế địa chính trị, đi theo xu hướng đầu tư, chú trọng đến phát triển hạ tầng điện, nước cũng như có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ...
Trước mắt, Việt Nam cần có một nhà máy chế tạo chip, quy mô nhỏ nhưng có công nghệ cao để giải quyết nhu cầu trong nước, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đảm bảo an ninh, quốc phòng trong trường hợp đứt gãy chuỗi cung ứng.
Mới đây, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điểm quan trọng của nghị quyết này là cho phép hỗ trợ tài chính xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip bán dẫn.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên được lựa chọn để chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì được hỗ trợ.